Huyện đoàn Nông sơn - tỉnh Quảng Nam

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN - CHI HỘI THÁNG 5-2023

Thứ năm - 04/05/2023 22:12
TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN - CHI HỘI THÁNG 5-2023
I. TIN TỨC, SỰ KIỆN
1. Hội nghị sơ kết công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi quý I và Tổng kết Tháng Thanh niên năm 2023
Ngày 07/4/2023, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi quý I và tổng kết Tháng Thanh niên năm 2023.
Dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Tháng Thanh niên năm 2023 và trao giải Cuộc thi thiết kế infographic tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đoàn.
Link bài viết: https://tinhdoanqnam.vn/news/3-phong-trao/hoi-nghi-so-ket-cong-tac-doan-phong-trao-thanh-thieu-nhi-quy-i-va-tong-ket-thang-thanh-nien-nam-2023-4787.html.
2. Thiếu nhi Quảng Nam tích cực hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc năm 2023
Theo đó, toàn tỉnh đã triển khai hơn 200 cuộc thi với nhiều hình thức đa dạng như: thi “Kể chuyện theo sách”; thi tuyên truyền giới thiệu sách năm 2023; thi sáng tác và sưu tầm, cảm nhận về những đoạn văn, đoạn thơ hoặc tác phẩm mà các em thấy ấn tượng và yêu thích trong quá trình đọc sách; Hội thi vẽ tranh theo cuốn sách em yêu... Bên cạnh đó, các trường cũng đồng loạt tổ chức Ngày hội đọc sách với nhiều chủ đề khác nhau, trưng bày hàng trăm thư viện sách với hàng ngàn đầu sách, tranh vẽ và nhiều loại truyện tranh các loại.

3. Tỉnh đoàn ra mắt thư viện số thông minh
Với mong muốn phát triển phong trào đọc sách trong đoàn viên thanh thiếu nhi và cộng đồng; tạo dựng môi trường đọc thuận lợi nhất cho đoàn viên, thanh thiếu nhi, Tỉnh đoàn ra mắt “Thư viện số thông minh” tại địa chỉ tinhdoanqnam.vn/thuvienso.
"Thư viện số" là mô hình thư viện thông minh do Tỉnh đoàn Quảng Nam xây dựng, thiết kế. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet, dù ở bất cứ đâu, đều có thể lựa chọn những cuốn sách với đa dạng các lĩnh vực, phù hợp với lứa tuổi như: sách về pháp luật, về khởi nghiệp, về giáo dục kỹ năng, sách truyền cảm hứng và sách về lịch sử...
Thư viện số thông minh có hệ thống chatbot dựa trên trí thông minh nhân tạo để hỗ trợ độc giả lựa chọn những đầu sách phù hợp. Bên cạnh đó, Thư viện được xây dựng theo định hướng mở, độc giả có thể để lại những cảm nhận về sách cũng như chia sẻ những cuốn sách hay tâm đắc của mình với mọi người. Ngoài ra, có thể truy cập hệ thống thư viện số vệ tinh của Tỉnh đoàn để tìm hiểu hàng ngàn đầu sách bổ ích khác.
Thông qua Mô hình “Thư viện số” nhằm đổi mới hình thức, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; qua đó thể hiện tinh thần tiên phong của tuổi trẻ Quảng Nam trong chuyển đổi số.
4. Tỉnh đoàn tập huấn cho hơn 1200 thanh niên tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng
Diễn ra với hình thức trực tuyến, Hội nghị được kết nối đến tất cả các điểm cầu tại huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh. Ngoài cung cấp những thông tin mới về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam theo chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các đại biểu tham gia Hội nghị còn được trang bị kiến thức liên quan đến thương mại điện tử, thanh toán điện tử; triển khai ứng dụng điện danh điện tử VneID; các ứng dụng, nền tảng giao tiếp với chính quyền như: việc thực hiện các quy trình thủ tục hành chính mức độ 3, 4; Smart Quảng Nam; Tổng đài 1022;..
Tại Hội nghị các khó khăn, vướng mắc, thực tế tình hình triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại cơ sở cũng được các đại biểu kiến nghị, đề xuất đề tháo gỡ.
Link bài viết: https://tinhdoanqnam.vn/news/3-chuong-trinh/tinh-doan-tap-huan-cho-hon-1200-thanh-nien-tham-gia-to-cong-nghe-so-cong-dong-4834.html

5. Hội nghị giao ban Công tác vay vốn trong thanh niên năm 2023
Để hỗ trợ về vốn cho đoàn viên, thanh niên trong tỉnh phát triển kinh tế, tạo việc làm, lập thân, lập nghiệp, xây dựng nông thôn mới góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn tại các địa phương, Tỉnh đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác vay vốn trong thanh niên năm 2023.
Tại đây các đồng chí cán bộ Đoàn - Hội, hội viên, thanh niên cũng đã chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo trong hoạt động ủy thác và nêu lên những băn khoăn, thắc mắc cần giải đáp với đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và Tỉnh đoàn như: Cơ chế, chính sách cho vay dành cho đối tượng tái hòa nhập cộng đồng; việc xóa nghèo ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới khiến thanh niên khó tiếp cận các chính sách; mức cho vay, lãi suất, thời gian chờ kết quả giải ngân, hồ sơ quy trình cho vay vốn và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, các tình huống thường gặp liên quan đến công tác quản lý nguồn vốn… Tất cả các câu hỏi của cán bộ Đoàn - Hội và hội viên thanh niên đặt ra tại Hội nghị đều được trao đổi, trả lời trực tiếp.
Link bài viết: https://tinhdoanqnam.vn/news/3-chuong-trinh/hoi-nghi-giao-ban-cong-tac-vay-von-trong-thanh-nien-nam-2023-4835.html
6. Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức Hội thi Tin học trẻ lần thứ XXV
Ngày 25/4 tại Trường Đại học Quảng Nam, Tỉnh đoàn, Sở GD-ĐT, Sở KH-CN, Sở TT-TT và Viễn thông Quảng Nam phối hợp tổ chức Hội thi tin học trẻ tỉnh Quảng Nam lần thứ 25 năm 2023.
Hội thi năm nay có số lượng thí sinh dự thi lớn nhất từ trước đến nay; đồng thời đánh dấu 25 năm thành lập và phát triển Hội thi tin học trẻ của tỉnh. Trong những năm qua, thông qua việc tổ chức hội thi đã từng bước đưa thanh thiếu nhi đến gần và làm chủ công nghệ thông tin, ứng dụng hiệu quả tiện ích của công nghệ vào quá trình học tập, làm việc và cuộc sống.
Kết quả chung cuộc, Ban tổ chức đã trao 9 giải Nhất, 14 giải Nhì, 18 giải Ba, 17 giải Khuyến khích và trao 8 giải toàn đoàn cho các đơn vị tham gia dự thi. Thành đoàn Tam Kỳ và Huyện đoàn Hiệp Đức là 2 đơn vị xuất sắc đoạt giải Nhất toàn đoàn theo từng cụm đồng bằng và miền núi.
Link bài viết: https://tinhdoanqnam.vn/news/3-chuong-trinh/tam-ky-va-hiep-duc-doat-giai-nhat-tai-hoi-thi-tin-hoc-tre-tinh-lan-thu-25-4844.html        
II. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI BÁC

1. Nhớ Bác, lòng ta trong sáng hơn
Cứ mỗi độ tháng năm về, đồng bào ta ở trong và ngoài nước, cùng với bạn bè quốc tế lại có dịp nhắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới với lòng khâm phục và kính yêu vô hạn.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ ngày đó, đông đảo đồng bào trong nước và bè bạn quốc tế biết đến Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam và biết đến ngày 19-5 là sinh nhật của Người. Năm 1946 là năm kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên.
Cả cuộc đời 79 mùa Xuân, cuộc đời vì dân, vì nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại di sản vô cùng quý báu là tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người. Đó chính là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa nhân loại; là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo. Sinh thời, Bác sống rất giản dị, từ ăn, mặc, ở cho đến mọi sinh hoạt hằng ngày. Ngay khi đã là Chủ tịch nước, Bác luôn nêu tấm gương vô cùng mẫu mực về đạo đức cách mạng. 
Có biết bao câu chuyện chân thực và cảm động về tấm gương đạo đức của Bác đã trở thành biểu tượng văn hóa, đạo đức, văn minh của một vị Chủ tịch nước, một lãnh tụ của Đảng, của nhân dân. Câu chuyện có đồng chí đề nghị Bác bỏ đi chiếc áo vá, nhưng Bác không cho bỏ. Bác nói: “Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy. Đừng bỏ cái phúc ấy đi”. Bác mặc bộ quần áo ka ki đã sờn cổ, sờn tay, xin được thay bộ khác, Bác bảo: “Nếu thi sang thì thua, thi tiết kiệm thì thắng”. Bác mặc như thế phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, của dân không phải thay... Nhớ lại, lúc sinh thời, thường cứ đến tháng 5 sinh nhật, Bác nói với thư ký của Bác bố trí những chuyến công tác xa để Bác tránh chúc tụng, lễ hội. Bác không muốn cái gì riêng cho mình cả, đời Bác hóa thân tất cả vào dân tộc và nhân loại. Cả cuộc đời Bác Hồ kính yêu là cả cuộc đời: “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”...
Tháng Năm nhớ Bác, nói điều cụ thể trên đây về cuộc sống giản dị, tiết kiệm của Người đứng đầu một đất nước để chúng ta hiểu sâu sắc rằng, bất cứ ai, dù trên cương vị nào, lứa tuổi nào, cũng đều cần phải và đều có thể học và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Học tập và làm theo Bác vừa là nhu cầu tự hoàn thiện tư cách, đạo đức của mỗi cá nhân, vừa là yêu cầu đối với toàn xã hội, cảm hóa đến mọi người xung quanh, đến cuộc đời.
Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do Người sáng lập đã trải qua 93 năm lịch sử. Người đã vận dụng sáng tạo học thuyết Đảng kiểu mới của Lênin vào thực tiễn xây dựng Đảng, rèn luyện Đảng ta thành một Đảng cách mạng chân chính, không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân mà còn là đội tiên phong của dân tộc và nhân dân lao động. Một trong những ngọn nguồn làm nên sức mạnh của Đảng, của cách mạng Việt Nam, là sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Đảng vì dân mà tồn tại và chiến đấu hy sinh nên nhân dân một lòng tin tưởng vào Đảng, đi theo lý tưởng, mục tiêu mà Đảng đã vạch ra: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Bác Hồ từng chỉ rõ: “Một Ðảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Ðảng hỏng. Một Ðảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Ðảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết bài báo quan trọng “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, nhắc nhở toàn Đảng phấn đấu rèn luyện về đạo đức. Vì vậy, muốn Ðảng mạnh, được nhân dân tin tưởng, yêu quý, nhất định chúng ta phải tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 05 gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Ðảng, nhất là việc sửa chữa những khuyết điểm, thiếu sót một cách quyết liệt, dứt điểm.
Noi gương Bác, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương sáng về đạo đức, lối sống, gần dân, lắng nghe dân và có trách nhiệm với dân. Một tấm gương điển hình, một hành động gương mẫu có ý nghĩa hơn gấp trăm lần so với những lời giáo điều, sáo rỗng. Trong lúc này, việc xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Ðảng, mối quan hệ máu thịt giữa Ðảng với dân là nhân tố hàng đầu nhằm nâng cao sức mạnh của Ðảng, là môi trường để thử thách, rèn luyện và sàng lọc cán bộ, lựa chọn đúng những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng tham gia bộ máy lãnh đạo Ðảng và Nhà nước.
Như muôn mạch nước nhỏ hòa thành dòng sông lớn, mỗi ngày, mỗi người hãy cố gắng làm thêm một việc tốt, có ích cho mình, cho cơ quan, đơn vị, có lợi cho dân, cho nước. Nếu ai cũng làm được như vậy thì chắc chắn sẽ tạo thành một động lực mạnh mẽ, làm chuyển biến nhanh hơn nữa, tích cực hơn nữa mọi mặt của đời sống xã hội. Và nếu làm được như thế, chúng ta tin chắc rằng việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhất định sẽ thu được kết quả thiết thực, to lớn hơn khi mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân tự giác học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, coi đó là danh dự, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.
Chúng tôi xin kết thúc bài viết bằng hai câu thơ nổi tiếng của Nhà thơ Tố Hữu “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn/ Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi…”. Lời thơ ấy đã nói lên tình cảm và nguyện ước của mỗi chúng ta. Đó cũng chính là lời nhắn nhủ, nhắc nhở suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta hôm nay phải tu dưỡng, rèn luyện bản thân mình trong cuộc sống, xứng đáng với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ban Tổ chức - Kiểm tra tổng hợp
2. Hi sinh và nhận lại
 Nghề nào cũng cao quý, và ai cũng yêu cũng quý mạng sống của chính mình. Xã hội phân công chúng ta vào vị trí, công việc cụ thể, đôi khi là nghề chọn người tức là đã xác định cống hiến, làm tròn trách nhiệm của mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị.
Trong thời bình, lẽ thường cụm từ “hi sinh” vẫn được sử dụng nhiều để nói về những cống hiến, quyết tâm vượt qua khó khăn, hoàn cảnh, thậm chí nghịch cảnh của một cá nhân hoặc một nhóm người nào đó để có được kết quả, thành quả nhất định, chứ không phải theo khái niệm sinh học, tức là cái chết, là không còn 4 dấu hiệu sinh tồn chủ yếu gồm nhiệt độ, mạch, huyết áp và nhịp thở.
Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ những tấm gương hi sinh anh dũng của các liệt sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an thành phố Hà Nội khi làm nhiệm vụ chiều ngày 01/8/2022; là những anh hùng trong trận chiến chống đại dịch COVID-19 diễn ra vô cùng cam go, khốc liệt trên phạm vi cả nước suốt hơn 3 năm qua, hay sự hi sinh thầm lặng trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy thời gian qua, để truy bắt những kẻ gieo rắc sự tàn ác, nguy hiểm của làn khói thuốc phiện, tiền chất ma túy, ma túy tổng hợp… của các tổ công tác đặc nhiệm, liên ngành ở địa bàn nóng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn…
Mới đây, khoảng 16h00 ngày 21/4, qua nắm bắt tình hình và nguồn tin trinh sát, nghi vấn phương tiện ô tô 7 chỗ mang biển số 49C-296.01 chạy trên đường tỉnh 824, hướng thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa tỉnh Long An về huyện Hóc Môn, TP HCM đang vận chuyển ma túy, tổ Cảnh sát giao thông thuộc Công an huyện Đức Hòa phối hợp các đơn vị liên quan chốt chặn tại khu vực cầu Nhỏ, xã Mỹ Hạnh Nam. Tuy nhiên, nam tài xế liều lĩnh tăng tốc, tông thẳng vào tổ công tác khiến thiếu tá N.T.H. bị thương nặng, hi sinh trên đường đi cấp cứu.
Quy định tại Điều 14 Mục 3 Chương II Pháp lệnh người có công với cách mạng 2020 (Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14, ngày 09 tháng 12 năm 2020) nêu rõ, liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc; bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước; của Nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” trong một số trường hợp như trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm; đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội…
Có thể nói, đa số trường hợp, cán bộ chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ sẽ được công nhận liệt sĩ, được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước. Gia đình, người thân, đồng đội, đồng chí và cộng đồng dư luận xã hội luôn biết ơn, trân trọng. Cần tiếp tục phát động phong trào học tập tấm gương anh dũng của các cán bộ, chiến sỹ trong quá trình làm nhiệm vụ giữa thời bình để đem lại an toàn và bình yên cho xã hội, cho Nhân dân.
Nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam.
Link nội dung: https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/hi-sinh-va-nhan-lai-636259.html
III. THEO DÒNG LỊCH SỬ
IV. VĂN BẢN, CHÍNH SÁCH MỚI
1. Quy định mới về thủ tục thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 18/2023/TT-BTC ngày 21/3/2023 quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.
Thông tư 18/2023/TT-BTC nêu rõ, hình thức thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Thông tư này hướng dẫn về xác định thời điểm người vi phạm đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt tương ứng với 02 hình thức nộp tiền phạt (tiền mặt và chuyển khoản).
Trường hợp nộp tiền phạt bằng tiền mặt trực tiếp, ngày xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt là ngày Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hoặc người có thẩm quyền thu tiền phạt theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP xác nhận trên chứng từ thu, nộp tiền phạt.
Trường hợp nộp tiền phạt bằng hình thức chuyển khoản, ngày xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt là ngày người nộp tiền phạt nhận được thông báo giao dịch tiếp nhận khoản tiền nộp phạt thành công từ ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để nộp vào ngân sách nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/5/2023.
2. Quy định mới về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 16/2023/TT-BTC ngày 17/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2021/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Thông tư số 16/2023/TT-BTC sửa đổi quy định về "Điều chỉnh vốn điều lệ tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ" (sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 2) như sau:
Đối với doanh nghiệp đang hoạt động, việc điều chỉnh vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, khoản 4 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và khoản 7 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với các doanh nghiệp không có nhu cầu bổ sung vốn điều lệ hoặc không lập phương án xác định vốn điều lệ và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm rà soát, quyết định và chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện nộp phần chênh lệch giữa nguồn vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước, việc nộp phần chênh lệch này không làm ảnh hưởng đến khả năng thanh toán và nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành quyết định, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp phần chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước. Khi doanh nghiệp nộp phần chênh lệch giữa nguồn vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước thì đồng thời hạch toán giảm theo từng thành phần vốn tương ứng thuộc nguồn vốn chủ sở hữu".
Thông tư bổ sung quy định "Phân phối lợi nhuận đối với công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp của nhà nước" (Điều 7a).
Theo đó, doanh nghiệp thực hiện phân phối lợi nhuận theo quy định tại khoản 17 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ; trường hợp doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con thì căn cứ vào báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ để xác định lợi nhuận sau thuế làm cơ sở phân phối.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/5/2023.
3. Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
Ngày 3/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Nghị định đã bổ sung nhiều quy định mới quan trọng liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất đai.
Nghị định bổ sung Điều 17a vào Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất.
Việc tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện: Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 Luật Đất đai; đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai, khoản 2 và khoản 3 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP; phải nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất; không thuộc đối tượng bị cấm tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản khác.
Hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện: Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì phải bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 17a Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định số 10/2023/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất phải đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 119 Luật Đất đai; đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất; việc đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện đối với từng thửa đất; đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Kể từ thời điểm công bố kết quả trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.
Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì người trúng đấu giá không được nhận lại tiền đặt cọc.
Đối với trường hợp người trúng đấu giá đã nộp nhiều hơn khoản tiền đặt cọc thì được Nhà nước hoàn trả số tiền chênh lệch nhiều hơn so với số tiền đặt cọc theo quy định.
Ngoài nội dung trên, Nghị định còn bổ sung trình tự thu hồi đất đối với trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định về đầu tư.
Nghị định cũng quy định chi tiết về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) qua mạng. Theo đó, người dân sẽ được nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận bằng hình thức trực tuyến và nhận hồ sơ qua bưu điện, mà không phải trực tiếp đến tận cơ quan quản lý để thực hiện như trước.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/5.
BIÊN TẬP BAN TỔ CHỨC - KIỂM TRA TỈNH ĐOÀN

Nguồn tin: Huyện đoàn- Hội LHTN Việt Nam huyện Nông Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bản quyền 2012 thuộc về Huyện đoàn Nông Sơn - Chịu trách nhiệm nội dung: BTV Huyện đoàn
Địa chỉ: Trung Hạ - Quế Trung - Nông Sơn - Quảng Nam | Tel: 02353.656970 | Email: huyendoannongson@gmail.com
Design by Mr.Lưu | 0905.914411 | 
Thiet ke Website Quang Nam
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây