I. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Những bài học về ứng xử ngoại giao theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là những bài học vô giá, là kim chỉ nam cho nhiều thế hệ cán bộ làm công tác đối ngoại. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà ngoại giao kiệt xuất của nền cách mạng Việt Nam. Người đã sáng lập và đặt nền móng cho ngành ngoại giao cách mạng Việt Nam. Trong suốt 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước, Người đã trực tiếp chỉ đạo sát sao công tác đối ngoại nhằm phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại, từ đó tập hợp được sự ủng hộ của đông đảo lực lượng quốc tế với nhân dân Việt Nam. Những bài học về ứng xử ngoại giao theo phong cách của Người luôn là những bài học vô giá, là kim chỉ nam cho không chỉ các cán bộ làm công tác đối ngoại thời kỳ cách mạng mà còn cho những thế hệ cán bộ đối ngoại ngày nay bởi những bài học đó luôn mang những giá trị phù hợp với thực tiễn. Thông tấn xã Việt Nam xin giới thiệu hai bài viết về phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh thông qua những câu chuyện kể về Bác của những nhà ngoại giao từng được theo chân Bác, trực tiếp lĩnh hội tài ngoại giao của Người, cùng phân tích của những chuyên gia nghiên cứu về tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác ngoại giao. Những câu chuyện về một nhân cách lớn Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện phong cách ngoại giao giản dị, nhân văn, kết hợp hài hòa các giá trị truyền thống và hiện đại, kết tinh văn hóa ứng xử phương Đông và phương Tây. Thông qua những câu chuyện kể của những người từng may mắn được Bác chỉ dạy, được tận mắt chứng kiến sự tài tình trong ứng xử ngoại giao của Bác, chúng ta càng hiểu thêm về một nhân cách lớn, giản dị mà vô cùng sâu sắc. Ấn tượng sâu sắc về Bác Kể lại những câu chuyện về Bác trong niềm xúc động và tự hào, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, người từng có cơ hội được tháp tùng và phiên dịch cho Bác trong một số chuyến công tác nước ngoài, chia sẻ: “Bác Hồ là con người vô cùng khiêm tốn. Ở Bác có sự vĩ đại trong giản dị. Bác không bao giờ sống cuộc đời xa hoa, không bao giờ muốn ai ca ngợi mình cả.”
Ngoại giao Hồ Chí Minh: Những câu chuyện về một nhân cách lớn lớn đối với tôi là lần đầu tiên được đọc bài diễn văn của Bác đã dịch sẵn sang tiếng Hindhi. Trong cuộc míttinh có hàng vạn người dự tại Red Fort (Thành Đỏ) ở thủ đô Delhi, các bạn Ấn Độ làm sẵn một cái ghế cho Bác Hồ ngồi trên bục danh dự. Chiếc ghế trông như một cái ngai vàng, rất lớn. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ ngày ấy là Jawaharlal Nehru thì chỉ ngồi một chiếc ghế bình thường như mọi người khác. Khi Thủ tướng Jawaharlal Nehru mời Bác Hồ ngồi vào chiếc ghế đó, Bác dứt khoát từ chối. Thấy vậy, Thủ tướng Jawaharlal Nehru nói: Ngài là khách danh dự của chúng tôi, việc Ngài ngồi lên chiếc ghế này chính là niềm vinh dự của chúng tôi mà. Chứng kiến điều này, hàng vạn người dự míttinh phía dưới quảng trường đứng cả lên xem. Hai vị lãnh tụ của hai nước cứ nhường nhau, cuối cùng chẳng ai ngồi lên chiếc ghế lớn ấy. Thủ tướng Jawaharlal Nehru đành gọi người cho chuyển chiếc ghế đi, thay bằng một chiếc ghế khác giản dị hơn. Thấy vậy, hàng vạn người dân Ấn Độ dưới quảng trường rất cảm kích vỗ tay vang dội và hô rất to: Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”. Chuyện này được người Ấn Độ sau đó kể lại rất nhiều, trở thành một huyền thoại của họ về Bác Hồ.
Trong chuyến thăm này có một bữa tiệc do Thủ tướng Jawaharlal Nehru chiêu đãi Bác Hồ với món thịt gà địa phương rất nổi tiếng. Người Ấn Độ khi ăn cơm thường không dùng thìa, dĩa mà dùng năm ngón tay để bốc thức ăn. Khi món thịt gà được đưa ra, các quan khách Ấn Độ có vẻ không quen dùng dao, dĩa. Bác Hồ rất tinh ý, Người nói với Thủ tướng Jawaharlal Nehru: Thịt gà phải ăn bằng tay thì mới ngon chứ còn ăn bằng thìa dĩa thì khác nào nói chuyện với người yêu lại phải qua ông phiên dịch. Nghe Bác Hồ nói vậy, cả bàn tiệc cười ầm cả lên làm cho không khí bữa tiệc hôm đó rất vui vẻ và thân mật.
Học Bác từ những điều giản dị “Trong tôi, ấn tượng lớn nhất về Bác là một người nói đi đôi với làm, một con người hết sức giản dị” nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ cảm giác xúc động, vui sướng khi nhớ lại quãng thời gian may mắn được làm việc với Bác. Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, sự giản dị của Bác, ai cũng có thể thấy rõ. Mỗi khi có khách quốc tế, các nguyên thủ quốc gia tới thăm Việt Nam, Bác thường đưa ra nhà sàn, coi như những người bạn thân thiết. Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã được Bác tiếp ở nhà sàn. Khi Bác ra nước ngoài, quà của Bác thường là hoa quả trong vườn ở Phủ Chủ tịch, rất giản dị mà gần gũi, chân thành. Theo đánh giá của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, trong số các lãnh tụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Bác là người duy nhất thấm nhuần văn hóa phương Đông và phương Tây. “Văn hóa ngoại giao của Bác là văn hóa trộn lẫn giữa cái lịch lãm về hình thức của phương Tây và chân thành, thâm thúy của người phương Đông. Đó là điều chúng ta nên học tập Bác. Bởi vì phải có kiến thức văn hóa rất sâu thì Bác mới có thể có cách ứng xử như vậy” nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết. Dẫn chứng cho điều này, nguyên Phó Thủ tướng nhắc đến một kỷ niệm trong chuyến đi công tác với Bác. Đến dự một cuộc chiêu đãi rất long trọng, người đầu tiên Bác đến chào không phải là lãnh đạo cao cấp nhất của cuộc chiêu đãi đó mà là một người quen biết từ hồi hoạt động trong Quốc tế Cộng sản. Bác đã đến chào bà thư ký trước rồi mới chào những người khác. Trước khi đến chào, Bác không quên cầm một bông hoa trên bàn đến tặng bà thư ký. Những câu chuyện đó cho thấy Bác là hiện thân của cả nền văn hóa phương Đông và phương Tây một cách rất tự nhiên, bình dị, chân thành. Kể về câu chuyện Bác chăm học ngoại ngữ, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan bày tỏ sự khâm phục khi cho biết: “Cả đời tôi chưa thấy ai chăm học ngoại ngữ như Bác. Ở tuổi ngoài 70 mà Bác vẫn trau dồi ngoại ngữ.” “Có lần tôi đến dịch cho Bác, trong khi chờ khách đến, tôi thấy Bác mở hộp thuốc lá ra, trong hộp có một mảnh giấy, Bác lẩm nhẩm đọc. Khi ấy tôi không dám hỏi, nhưng nghe thì thấy Bác lẩm nhẩm tiếng Nga. Tôi mới hỏi: “Bác vẫn học ạ? Bác trả lời, vì ít dùng tiếng Nga nên Bác quên mất”” ông Vũ Khoan kể. Nguyên Phó Thủ tướng cho hay, Bác thường để một mảnh giấy trong hộp thuốc, mỗi mảnh giấy ghi 10 từ tiếng Nga. Mỗi lần mở hộp lấy thuốc Bác lại lẩm nhẩm học từ. Mỗi ngày 10 từ, cứ cho là rơi rụng đi thì mỗi ngày Bác cũng học được 5-7 từ. Cho biết Bác Hồ rất giỏi tiếng Anh, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết: “Mới đầu nghe nói Bác biết tiếng Anh, tôi nghĩ chắc Bác cũng biết chứ không thạo lắm. Nhưng lần lên dịch ở Phủ Chủ tịch, có nhiều đoàn nước ngoài đến, quay sang đoàn nào Bác nói tiếng nước đó. Khi nghe Bác nói tiếng Anh, tôi mới thấy Bác nói giỏi quá, hay quá.” Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết, tri thức của Bác rất rộng một phần là nhờ vốn ngoại ngữ. Bác biết nhiều ngoại ngữ, đến nước nào là học ngôn ngữ của nước đó: đến Italy học tiếng Italy, đến Đức học tiếng Đức, đến Anh và Mỹ học tiếng Anh. Trong một lần gặp các quan chức Liên Xô, thậm chí Bác Hồ còn nhắc nhẹ một người phiên dịch về sử dụng từ ngữ chưa phù hợp với hoàn cảnh. “Bản thân tôi cũng từng rút ra kinh nghiệm là dịch cho Bác không nên chơi chữ, vì chữ Nho Bác rất thông thạo, cứ nói đơn giản thôi cho dễ. Ở bên cạnh những con người tài giỏi như vậy, mình học được cách suy nghĩ và tư duy” nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói. Mỗi câu chuyện về Bác là một bài học về văn hóa ứng xử của Người. Học Bác, chúng ta học được tác phong giản dị, khiêm tốn của một nhân cách lớn, một con người hết lòng vì dân tộc, vì non sông đất nước.
(Nguồn: Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)
II. THEO DÒNG LỊCH SỬ
- Kỷ niệm 45 năm Ngày Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc (20/9/1977 - 20/9/2022)
- Kỷ niệm 41 năm Ngày Quốc tế Hòa bình (21/9/1981 - 21/9/2022)
- Kỷ niệm 77 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2022)
- Kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022)
- Kỷ niệm 60 năm Ngày Thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam -Lào (05/9/1962 - 05/9/2022)
- Kỷ niệm 57 năm Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ (08/9/1965 - 08/9/2022)
- Kỷ niệm 92 năm Xô viết - Nghệ Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2022)
- Kỷ niệm 53 năm Ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh (02/9/1969 - 02/9/2022)
III. LỊCH SỬ CÁC NGÀY LỄ, KỶ NIỆM
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tuyên ngôn Độc lập 02/9/1945 - bản “Thiên cổ hùng văn”
Mỗi khi đất trời vào Thu, mọi người dân Việt Nam lại trào dâng những xúc cảm vừa mãnh liệt, vừa tha thiết. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử cách nay 76 năm như vừa mới đó - gần gũi, thân thương mà thiêng liêng, ấm áp lạ kỳ! Như tình cảm dạt dào mà nhạc sỹ Vũ Thanh đã gửi gắm vào bài ca “Hà Nội mùa thu” đi cùng năm tháng: “Như bâng khuâng Nghe gió đưa vang vọng giữa Ba Đình Lời Người thu năm ấy Màu cờ thu năm ấy Vẫn đây xanh trời mây...” Từ Chiến khu cách mạng Tân Trào, ngày 22/8/1945, Bác Hồ về Hà Nội. Tối 25/8, Người vào nội thành, ở nhà ông Trịnh Văn Bô, tầng 2 nhà 48 Hàng Ngang (nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Sáng 26/8, Bác triệu tập và chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng, bàn các chủ trương đối nội, đối ngoại trong tình hình mới, thông qua danh sách Chính phủ lâm thời, chuẩn bị ra Tuyên ngôn Độc lập, tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa để Chính phủ ra mắt quốc dân đồng bào. Ngày 27/8, Bác Hồ triệu tập cuộc họp Ủy ban Dân tộc giải phóng, đề nghị thi hành chính sách đoàn kết dân tộc rộng rãi, thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia. Người được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng trong ngày hôm đó, Người tiếp các bộ trưởng mới.
Chính phủ ra mắt quốc dân và đọc Tuyên ngôn Độc lập mà Người chuẩn bị. Người đưa bản thảo để các thành viên Chính phủ xét duyệt, đề nghị duyệt kỹ, vì ta sẽ đọc không phải chỉ để đồng bào cả nước ta nghe, mà còn cho cả Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp, cho cả các nước đồng minh nghe. Trong các ngày 28 và 29/8, vào ban ngày, Bác đến trụ sở của Chính phủ lâm thời tại 12 Ngô Quyền làm việc. Tại đây, Người dành phần lớn thì giờ soạn thảo bản “Tuyên ngôn Độc lập”. Buổi tối, Người trở về tại 48 Hàng Ngang, một căn buồng vừa là phòng ăn, vừa là phòng tiếp khách, vừa là nơi làm việc và tự đánh máy “Tuyên ngôn Độc lập”. Ngày 30/8/1945, Bác mời một số cán bộ đến trao đổi, góp ý cho bản thảo “Tuyên ngôn Độc lập”. Người đọc cho mọi người nghe và hỏi ý kiến. Hôm sau, Người bổ sung hoàn chỉnh. Vào lúc 14 giờ ngày 2/9/1945, trong cuộc mít tinh tại vườn hoa Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào, trên lễ đài trang nghiêm, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn Độc lập có 1.120 chữ, được sắp xếp trong 49 câu. Đây là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn gọn, chặt chẽ, sắc bén, gồm 3 phần chính: (1) Cơ sở pháp lý của bản Tuyên ngôn; (2) Cơ sở thực tiễn của bản Tuyên ngôn và (3) Lời tuyên bố độc lập. Đây là một văn kiện lịch sử chặt chẽ, sắc bén, chứa đựng những nội dung cốt lõi, có cơ sở pháp lý vững chắc để không chỉ khẳng định chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước thế giới mà còn mở ra một thời kỳ mới của dân tộc ta, nhân dân ta trên con đường xây dựng và phát triển, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Về cơ sở pháp lý: Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tầm tư duy sâu sắc, vượt gộp khi trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Người nhắc đến hai văn kiện lịch sử ấy với lòng trân trọng đặc biệt của một trí tuệ lớn đối với sự phát triển của văn minh nhân loại đã giành được.
Với vốn tiếng Anh cùng với thiên tài trí tuệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dịch và trích dẫn Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp nhưng có sự điều chỉnh và phát triển để thể hiện quan điểm riêng của mình về quyền con người và trên thực tế, tinh thần ấy đã được thể hiện và khẳng định trong tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam từ trước đến nay. Đó chính là sự đóng góp về lý luận và thực tiễn về quyền con người, đem lại những tiến bộ và phù hợp với sự phát triển của nhân loại. Với lập luận này, Người đi đến khẳng định: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”…
Về cơ sở thực tiễn: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tố cáo thực dân Pháp: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào… Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà, để ngăn cản dân ta đoàn kết. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi... Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn, đề làm cho nòi giống ta suy nhược... Chúng bóc lột dân ta đến xương tủy... Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý... Chúng không cho các nhà tư sản ta được giầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”. Không chỉ dừng ở đó, mùa thu năm 1940, khi phát xít Nhật đến Đông Dương, thực dân Pháp lại quỳ gối đầu hàng và “thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”, khiến cho nhân dân ta càng thêm cực khổ, khiến cho “hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”… Về lời tuyên bố độc lập: Kiên cường đấu tranh cho độc lập và tự do, sự thật là: 1) “Từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa”; 2) “Khi Nhật hàng đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”; 3)“Dân ta lấy lại nước Việt Nam tự tay Nhật, chứ không phải tự tay Pháp”; 4) “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa” và Việt Nam đã là một quốc gia độc lập. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố “thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”; đồng thời nhấn mạnh, “các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. Vì, “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”, nên “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Lời thề độc lập - Lời thề giữ nước thiêng liêng và tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã vang vọng khắp non sông, đất nước, cho đến mãi muôn đời sau.
Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập về quyền độc lập, tự do tất yếu của dân tộc Việt Nam trong hành trình đấu tranh cho độc lập, tự do đã không chỉ là đòn phủ đầu vào âm mưu tái chiếm Đông Dương của thực dân Pháp và ý đồ can thiệp của các nước đế quốc đối với Việt Nam mà còn khẳng định trước công luận: Mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền của nước Việt Nam độc lập đều là vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược với xu hướng phát triển của nhân loại tiến bộ, những vấn đề này cũng xuất phát điểm từ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và sự khẳng định độc lập của dân tộc Việt Nam trong bản Tuyên ngôn. Đây là tầm nhìn chiến lược và tư duy nhạy bén đầy sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói như Giáo sư Singô Sibata người Nhật Bản khi nghiên cứu về Tuyên ngôn Độc lập, ông cho rằng: “Cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình”, với một cách lập luận khôn khéo làm mọi người tâm phục, khẩu phục, Người đưa quyền con người thống nhất biện chứng với quyền dân tộc, vì “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
Tuyên ngôn Độc lập không chỉ kết tinh các giá trị truyền thống dân tộc, khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới; đồng thời khích lệ nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc đứng lên chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc; là mục tiêu, kết quả của hành trình tìm đường cứu nước của Người, mở ra thời đại của con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra, Tuyên ngôn Độc lập cũng khẳng định rõ vai trò, sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và xây dựng cuộc sống mới; có giá trị thực tiễn là lấy lại tên Việt Nam trên bản đồ thế giới. Tuyên ngôn Độc lập - một văn kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với vận mệnh của dân tộc. Tuyên ngôn Độc lập là sự tiếp nối truyền thống anh hùng bất khuất của cha ông thuở trước. Thời thế đã đổi thay, song chí khí hào hùng của nhân dân ta trong thơ Lý Thường Kiệt “Nam quốc sơn hà Nam đế cư..”, trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi vẫn thắm đượm trong từng lời, từng chữ của Tuyên ngôn. Với Tuyên ngôn Độc lập, một nước Việt Nam hồi sinh sau bao mất mát, hy sinh. 77 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã kiên trì đấu tranh bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám, tiến hành thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội. Trong suốt 35 năm đổi mới, Việt Nam đã và đang ngày càng chủ động, tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế gắn với xu thế toàn cầu hóa của thời đại.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần đoàn kết một lòng với quyết tâm cao, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quyền con người của Việt Nam ngày càng được bảo đảm, được hiến định. Đặc biệt trong Hiến pháp 2013, quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân đã được quy định ở 36 điều, trên tổng số 120 điều của bản Hiến pháp. Tất cả vì mục tiêu thiêng liêng xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” chính là quá trình hiện thực hóa quyền con người gắn liền với quyền dân tộc. Vì thế, Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là một mốc son chói lọi, góp phần làm rạng rỡ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta mà còn làm cho nền văn hiến Việt Nam: “Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững, Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa; Trong và thật, sáng hai bờ suy tưởng, Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hòa” Điều đó đã được khẳng định và lan tỏa cùng thời đại suốt 77 mùa xuân. Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và đọc Tuyên ngôn Độc lập - bản hùng ca viết tiếp những trang sử huy hoàng của ngàn năm về trước, mỗi người dân Việt Nam càng thấy thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do; ý nghĩa lớn lao và sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và quyền của mỗi dân tộc. Giá trị ấy làm bản “thiên cổ hùng văn” Tuyên ngôn Độc lập có giá trị trường tồn mãi mãi với thời gian, với dân tộc. Tổ quốc Việt Nam ta được độc lập, Nhân dân ta đời đời được tự do, tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người dân Việt Nam.
Kỷ niệm 92 năm Xô viết - Nghệ Tĩnh (12/9/1930-12/9/2022)
Cách đây 92 năm, với khí thế tiến công thần tốc, nhân dân ta đã làm nên một cao trào cách mạng vô cùng mạnh mẽ - cao trào cách mạng 1930- 1931 với đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của nhân dân bùng lên mạnh mẽ từ đầu năm 1930 trên khắp cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Phong trào đấu tranh đặc biệt mạnh mẽ từ Ngày Quốc tế lao động 01/5/1930, lần đầu tiên công nông và dân chúng tỏ rõ dấu hiệu đoàn kết với vô sản thế giới và biểu dương lực lượng của mình. Từ thành phố đến nông thôn, trên cả ba miền đất nước đã xuất hiện nhiều truyền đơn, cờ Đảng, mít tính, bãi công, biểu tình, tuần hành thị uy. Cao trào cách mạng do Đảng chủ trương và phát động đã diễn ra trên 25 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó Nghệ Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất. Ngày 01/8/1930, công nhân khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy tổng bãi công, đánh dấu một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh kịch liệt đã đến. Hòa nhịp với phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân Nghệ Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình có vũ trang tự vệ kéo đến các huyện đường Can Lộc (ngày 04/8), Nam Đàn (ngày 06/8 và 30/8), Thanh Chương (ngày 12/8), Nghi Lộc (ngày 29/8) và lan rộng ra hầu khắp các huyện trong 2 tỉnh. Tháng 9/1930, phong trào công - nông phát triển tới đỉnh cao; quần chúng đã vũ trang tự vệ, biểu tình thị uy có vũ trang, tiến công vào cơ quan chính quyền của địch ở địa phương. Đặc biệt, cuộc đấu tranh của hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên nổ ra ngày 12/9/1930 để hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh - Bến Thủy, phản đối chỉnh sách khủng bố của bọn thực dân và phong kiến tay sai. Thực dân Pháp cho máy bay tới ném bom, làm 217 người chết, 125 người bị thương, càng làm cho phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân vùng lên như bão táp, bộ máy chính quyền của thực dân và phong kiến tay sai ở nhiều huyện bị tê liệt, ở nhiều xã bị tan rã. Các tổ chức cơ sở đảng ở địa phương đã kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, tự đứng ra quản lý đời sống của mình, thực hiện nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô Viết. Chính quyền Xô Viết đã ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân như: Ban bố quyền tự do dân chủ, tổ chức cho quần chúng tham gia các đoàn thể cách mạng, trừng trị bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh; chia lại công điền, công thổ cho nông dân, thực hiện giảm tô, xóa nợ, thủ tiêu các thứ thuế vô lý... Chính quyền Xô Viết cũng tỏ rõ bản chất cách mạng và tính ưu việt của mình - thực sự là một chính quyền của dân, do dân và vì dân. Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã trở thành ngọn cờ quy tụ và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ quần chúng lao động trong cả nước. Phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh là một sự kiện lịch sử trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy chỉ tồn tại trong vòng bảy tháng và còn sơ khai nhưng đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công - nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân mất nước, nô lệ. Quốc tế Cộng sản đã nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao phong trào. Báo Vô sản Pháp số ra tháng 10/1931 đã đánh giá: “Cuộc vận động này là một bước lớn trong cuộc phản đế và điền thổ, có ảnh hưởng to lớn trong lịch sử giải phóng Đông Dương”. Thành quả lớn nhất của Cao trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô Viết - Nghệ Tĩnh là đã khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân thông qua chính đảng tiên phong của mình, đoàn kết với các tầng lớp nhân dân yêu nước có đủ khả năng đánh đổ nền thống trị của đế quốc, phong kiến tay sai, giải phóng dân tộc, đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân. Đây chính là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, không chỉ đặt ra vấn đề liên minh công nông, vấn đề ruộng đất và dân cày, mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, vấn đề đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, từng bước tạo thế và lực để dân tộc ta đi tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Phong trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao Xô Viết - Nghệ Tĩnh có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp ở nước ta. Từ phong trào này, lần đầu tiên công nhân và nông dân liên minh với nhau trong cuộc đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; chính quyền cách mạng ở một số vùng nông thôn đã ra đời. Đánh giá về ý nghĩa lịch sử to lớn của cao trào cách mạng 1930 - 1931, Hồ Chí Minh đã viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô Viêt - Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”. Từ Xô Viết - Nghệ Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã từng bước thực hiện thắng lợi những mục tiêu của con đường đã lựa chọn. Cao trào 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã để lại bài học lớn về sức lôi cuốn, tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân của Đảng ta thông qua đường lối, chủ trương, khẩu hiệu đấu tranh đúng đắn, đáp ứng được khát vọng cháy bỏng của nhân dân. Từ đó, rút ra kinh nghiệm lịch sử quý báu là bao giờ nhân dân lao động cảm nhận được những lợi ích của mình trong các chủ trương, chính sách, việc làm cụ thể của giai cấp lãnh đạo, thì họ sẽ tích cực, tự giác tham gia hưởng ứng. Và chính Đảng ta ngay từ đầu đã giúp nhân dân cảm nhận được những lợi ích cơ bản và cấp bách của mình thông qua các chủ trương, khẩu hiệu đúng đắn là giành độc lập thoát khỏi ách nô lệ, giành ruộng đất, nhà máy về tay công - nông, thực hiện những quyền dân sinh, dân chủ cơ bản đầu tiên...; từ đó khơi dậy và thúc đẩy động lực cách mạng trong quần chúng. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, thực hiện chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, việc hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, cơ chế phù hợp với xu thế phát triển thời đại và nguyện vọng, lợi ích thiết thực, chính đáng của nhân dân để hình thành động lực, sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp đổi mới đang là nhiệm vụ cấp bách, to lớn của Đảng và Nhà nước ta. Vấn đề đặt ra là hình thành và hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, cơ chế như thế nào để sự phát triển của đất nước phải thực sự gắn liền với lợi ích vật chất - tinh thần của mọi tầng lớp, mọi con người Việt Nam thì mới tạo được động lực thúc đẩy và phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân, của các tổ chức trong xã hội. Việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; thực hiện được tư tưởng vĩ đại của Bác Hồ và khát vọng cháy bỏng của các chiến sĩ Xô Viết - Nghệ Tĩnh là giữ vững nền độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, đưa nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu; ai cũng có cơm ăn, áo mặc, có nhà để ở và tiến tới được ăn ngon, mặc ấm, mặc đẹp, có nhà ở khang trang; ai cũng được học, học có chất lượng; người có bệnh được chữa bệnh chu đáo; mọi người sống với nhau có nghĩa có tình, đầm ấm, hạnh phúc... Đó chính là động lực cách mạng to lớn trong thời kỳ mới. 92 năm đã trôi qua nhưng tinh thần, hào khí của Xô Viết - Nghệ Tĩnh vẫn bất diệt. Tinh thần Xô Viết - Nghệ Tĩnh không chỉ đồng hành cùng nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn tiếp tục giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.
Sau Cách mạng Tháng Tám, một lần nữa, bản lĩnh, ý chí của Trần Văn Giàu đã được thể hiện bằng “một quyết định mang tính lịch sử” - ngày Nam bộ kháng chiến 23/9/1945. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Trần Văn Giàu, Giáo sư Vũ Khiêu, đồng chí Trần Bạch Đằng… thăm Trung tâm KHXH&NV Thành phố. Xế chiều 22/9/1945, phái đoàn Pháp lịch sự mời đồng chí Trần Văn Giàu và Phạm Ngọc Thạch đến dự bữa “tiệc công tác” (un diner de travail). Đoán trước dã tâm gài bẫy để bắt người của thực dân Pháp, ta hứa đến dự nhưng cuối cùng không đến. Thực dân Pháp lộ mặt. 0 giờ ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp được sự giúp đỡ tích cực của quân Anh gây hấn ở Sài Gòn - nổ súng đánh chiếm trụ sở của Ủy ban nhân dân Nam Bộ và một số nơi khác. Đúng thời điểm đó, cuộc họp liên tịch của Xứ ủy Nam bộ, Ủy ban nhân dân và đại diện của Tổng bộ Việt Minh đã diễn ra tại số nhà 107 đường Cây Mai - Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi). Hội nghị đã phân tích, đánh giá tình hình, so sánh lực lượng giữa ta và địch. Hai luồng ý kiến tranh luận gay gắt: Một bên cho rằng Pháp đã trắng trợn lộ rõ âm mưu tái xâm lược nước ta, nên ta phải cấp thời hiệu triệu quân dân Sài Gòn và Nam bộ nhất tề đứng lên đánh trả ngay để bảo vệ nền độc lập nước nhà; đồng thời báo cáo, thỉnh thị Trung ương. Một bên khác đề nghị hòa hoãn, chỉ tổng bãi công, bãi thị, chờ lệnh Trung ương. Sau cùng, hội nghị quyết định đồng thời với việc xin ý kiến Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch là phát động nhân dân kháng chiến, “tướng ở biên cương không thể chờ lệnh vua mới đánh giặc khi giặc đánh qua biên ải”, không đánh trả ngay, không kháng chiến ngay thì địch có thời gian và điều kiện đánh chiếm rộng thêm chứ chúng không bao giờ ngưng, sẽ mất đất, mất uy thế cách mạng. Đương nhiên, vừa đánh vừa đàm như cha ông đã làm nếu có điều kiện. Hội nghị đã thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam bộ do đồng chí Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy làm Chủ tịch. Sáng 23/9/1945, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ Trần Văn Giàu đã phát lời kêu gọi: Nam bộ kháng chiến - Một quyết định mang tính lịch sử (23/9/1945 - 23/9/2022) “Đồng bào Nam bộ, Nhân dân thành phố Sài Gòn, Anh chị em công nhân, nông dân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sĩ. Đêm qua, thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn. Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ngày 02 tháng 9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc: “Độc lập hay là chết!” Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược… Sài Gòn bị Pháp chiếm phải trở thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa hàng. Hỡi đồng bào ! Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng. Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu ! Giáo sư Trần Văn Giàu đến xem Bia tưởng niệm Cách mạng Tháng Tám 1945 Ba ngày sau, nhân dân Nam Bộ nhận được sự đồng tình của Chính phủ, được lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đài Tiếng nói Việt Nam: “Hỡi đồng bào Nam Bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm… Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”. Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà. Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta. Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng”. Tiếp theo, Nam Bộ lại được Huấn lệnh của Chính phủ Trung ương: “Hỡi đồng bào Nam Bộ ! Lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp chẳng những đã làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục, mà lại đã chứng tỏ cho thế giới đều biết cái quyết tâm độc lập của nhân dân Việt Nam… …Trong giờ phút nghiêm trọng này, Chính phủ kêu gọi đồng bào yêu quý Nam Bộ phải đoàn kết chặt chẽ muôn người như một, dũng cảm và thận trọng cho thật kiên quyết và trầm tĩnh, nghe theo lời Chính phủ để đưa cuộc giải phóng đến thắng lợi cuối cùng”. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Huấn thị của Chính phủ Trung ương đồng ý với Nghị quyết của Hội nghị liên tịch Cây Mai, đã cho quân dân Sài Gòn và Nam bộ thêm nghị lực, quyết tâm, tin tưởng bước vào cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Rõ ràng, quyết định của Xứ ủy Nam bộ do Trần Văn Giàu làm Bí thư vào rạng sáng ngày 23/9/1945 tại Hội nghị Cây Mai là một quyết định mang tính lịch sử, là mốc son “Mùa Thu rồi, ngày hăm ba”, mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, là sự kiện mà từ đó Nam bộ được vinh danh “Thành đồng Tổ quốc”. Trần Văn Giàu xứng đáng là một người con ưu tú đầy bản lĩnh và trí tuệ! (Nguồn: PGS. TS Phan Xuân Biên - hcmcpv.org.vn)
IV. THANH NIÊN CẦN BIẾT
1. Lắng nghe tích cực
Thực hành lắng nghe tích cực là bước đầu tiên để trở thành một người giao tiếp tuyệt vời. Mọi người lắng nghe với mục đích trả lời hơn là để hiểu. Một người giao tiếp tuyệt vời sẽ lắng nghe những mối quan tâm, câu hỏi và chỉ thị của đồng nghiệp và cấp trên của họ, đồng thời có thể đưa ra quyết định dựa trên sự hiểu biết chính xác về tình hình. Nó khá đơn giản: nếu bạn không hiểu những gì người khác đang nói, bạn sẽ không thể cung cấp cho họ những gì họ muốn. Một người nghe tích cực đặt câu hỏi khi cần làm rõ và điều chỉnh cách nói của họ dựa trên người họ đang nói và tình huống hiện tại.
2. Giao tiếp phi ngôn ngữ
Giao tiếp phi ngôn ngữ là một hình thức liên quan đến ngôn ngữ cơ thể. Những thứ như tư thế, giao tiếp bằng mắt, cử chỉ, bắt tay và nét mặt đều là một phần của giao tiếp phi ngôn ngữ. Người nghe thường chú ý đến tất cả những yếu tố này khi họ đang trong quá trình phân tích thông tin bạn đang cung cấp. Tư thế tự tin, giao tiếp bằng mắt trực tiếp và khuôn mặt thoải mái sẽ thể hiện sự tự tin và khiến người nghe dễ dàng tiếp nhận thông tin được nói hơn.
3. Thể hiện sự tôn trọng
Các cá nhân sẽ cởi mở hơn trong giao tiếp với bạn nếu bạn thể hiện sự tôn trọng đối với họ và suy nghĩ của họ. Các hoạt động cần thiết như sử dụng tên của một cá nhân, giao tiếp bằng mắt và tích cực lắng nghe khi một người nói chuyện sẽ khiến họ cảm thấy được trân trọng. Nếu bạn đang giao tiếp qua điện thoại, hãy tránh làm gián đoạn và tập trung vào cuộc thảo luận.
4. Điều chỉnh âm lượng và độ rõ ràng
Điều cần thiết là phải thể rõ rõ ràng những luận điểm khi bạn đang nói. Điều chỉnh giọng điệu của bạn để bạn có thể nghe thấy trong nhiều bối cảnh khác nhau là một kỹ năng và điều cần thiết để giao tiếp hiệu quả. Nói quá to đôi khi có thể thiếu tôn trọng hoặc khó xử. Nếu bạn không bị thuyết phục, hãy nhìn cách người khác đang giao tiếp.
5. Đưa ra các phản hồi
Có thể cung cấp và nhận phản hồi một cách thích hợp là một kỹ năng giao tiếp cần thiết. Người giám sát và quản lý nên liên tục tìm kiếm phản hồi mang tính xây dựng cho nhân viên thông qua email hoặc cuộc gọi điện thoại. Tương tự như vậy, bạn cũng nên khuyến khích ý kiến đóng góp từ những người khác. Đặt câu hỏi lọc nếu bạn không chắc chắn về vấn đề này. Ngoài ra, khi bạn sắp nhận được phản hồi, điều quan trọng là thực hành lắng nghe tích cực mà chúng ta đã đề cập trước đó. Có thể khó khăn khi nghe những phản hồi tiêu cực về bản thân, nhưng dành thời gian để suy ngẫm về những gì người khác nói về bạn là một phần quan trọng để cải thiện, không chỉ với tư cách là một nhân viên mà còn với tư cách là một con người.
6. Luôn duy trì thái độ tích cực
Trong giao tiếp những ngôn ngữ cơ thể của người nghe như cái gật đầu nhẹ, ánh mắt hướng về người nói, lắng nghe chăm chú... tất cả điều đó thể hiện bạn đang quan tâm và có thái độ tích cực trong việc lắng nghe và tương tác với người nói. - Hoặc trong các buổi gặp gỡ, trò chuyện rất khó để tránh khỏi những mâu thuẫn, căng thẳng. Và cách cải thiện kỹ năng giao tiếp tốt nhất trong những trường hợp này đó chính là luôn duy trì một thái độ tích cực. Bạn nên nhớ rằng, có những chuyện sẽ không đi theo kế hoạch ban đầu mà mình đề ra, vì vậy hãy cứ mỉm cười, lạc quan, vui vẻ để “dĩ hòa vi quý” các mối quan hệ. Nếu bạn thấy việc kiềm chế sự căng thẳng rất khó, thì bạn có thể áp dụng một số phương pháp như: tập luyện thể thao, thở đều khi căng thẳng, ngồi thiền để tĩnh tâm...
7. Khôn khéo lựa chọn từ ngữ trong giao tiếp
Đối phương trong quá trình giao tiếp đặc biệt là những cuộc giao tiếp về lĩnh vực kinh doanh, tư vấn... họ rất hay để ý ngôn từ mà chúng ta sử dụng. Thông qua đó có được thông tin và đánh giá khách quan về trình độ cũng như con người của người đối diện. Bạn cần chọn lọc từ ngữ trong quá trình giao tiếp để ghi điểm với đối tác của mình.
8. Sử dụng các ngôn từ phản chiếu
Ngôn ngữ “phản chiếu” ở đây được hiểu là hình thức phi ngôn ngữ tương đồng với hành động của người đối diện. Theo chuyên gia ngôn ngữ Susan Constantine, phi ngôn ngữ chiếm đến 90% hiệu quả của buổi giao tiếp. Vì vậy, khi trao đổi, nói chuyện với người khác, hãy chú ý đến đến cử chỉ, hành động của mình. Đặc biệt, phi ngôn ngữ phải được thực hiện một cách tế nhị, khéo léo để tránh gây cảm giác khó chịu với người đối diện.
9. Chú ý đến cảm xúc của người khác
Việc chú ý đến cảm xúc người khác và tôn trọng cảm xúc của họ chứng tỏ bạn là người vô cùng tinh tế, điều này sẽ tạo được thiện cảm từ chính người đối diện. Cụ thể, bạn nên học cách khen ngợi những mặt tích cực của người đối diện, đồng thời biết cách thông cảm với những khó khăn mà họ đang gặp phải. Và hãy luôn chú trọng đến lời nói của mình, bởi nó có thể tác động đến chuẩn mực của người khác.
10. Kiểm soát cảm xúc của bạn
Nếu bạn muốn trở thành một người giao tiếp thông minh, bạn cần học cách kiểm soát phản ứng cảm xúc của mình. Điều này có nghĩa là bạn phải luôn giữ thái độ bình tĩnh ngay cả khi bạn đang thật sự tức giận và thất vọng, đồng thời không sử dụng hành động tiêu cực quyết định diễn biến cuộc trò chuyện của bạn. Kiểm soát cảm xúc của bạn được xem là một nguyên tắc và kỹ năng vô cùng quan trọng trong giao tiếp để tạo ra sự khác biệt trong các mối quan hệ xung quanh cuộc sống của bạn.
(Nguồn:unica.vn)
V. NHỮNG CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC TRONG THÁNG 9/2022
1. Ghi âm, ghi hình trái phép tại tòa bị phạt tới 15 triệu đồng
Ngày 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, có hiệu lực từ 1/9/2022. Pháp lệnh quy định về các hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Việc ghi âm, ghi hình của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự, thì bị phạt tiền từ 7-15 triệu đồng.
2. Các thiết bị tra cứu, đọc dữ liệu trên CCCD gắn chip Hỗ trợ phí khai thác thông tin
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Thông tư 48/2022/TT-BTC Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có hiệu lực từ ngày 17/9/2022. Mức phí xác thực thông tin công dân, khai thác kết quả thông tin kể từ ngày 17/9/2022 - 31/12/2023, được giảm 50% mức thu quy định (1 nghìn đồng/thông tin) trong các trường hợp: Xác thực thông tin công dân bằng tin nhắn SMS, văn bản điện tử, văn bản giấy; Tin nhắn SMS trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác; Văn bản điện tử trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác qua cổng dịch vụ công; Văn bản điện tử trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác qua ứng dụng phần mềm; Văn bản giấy trả lời kết quả thông tin đề nghị cung cấp. Đối với phí khai thác kết quả thống kê, mức phí khai thác kết quả thống kê, phân tích, mức phí khai thác kết quả thống kê, phân tích, dự báo được giữ nguyên theo quy định.
3. Thí điểm đưa phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam
Nghị quyết 54/2022/QH15 Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022, có hiệu lực từ ngày 1/9/2022, quy định việc thí điểm mô hình đưa phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam. Trong đó, số lượng trại giam được áp dụng thí điểm mô hình này không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Đồng thời phải bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức hoạt động; phục vụ hiệu quả công tác giáo dục cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; tạo điều kiện để phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án tù… Nghị quyết 54/2022/QH15 cũng quy định một số trường hợp không được tham gia lao động, học nghề ngoài trại giam.
4. Hạn cuối chi trả tiền hỗ trợ COVID-19
Nhằm tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15. Theo quy định sẽ sử dụng khoảng 1.155 tỉ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021 để tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 đã nộp hồ sơ đúng thời hạn. Thời gian thực hiện chi trả hỗ trợ người lao động hoàn thành chậm nhất vào ngày 10/9/2022.
5. Không được cải tạo xe limousine từ xe 16 chỗ chở khách
Từ ngày 1/9/2022, Nghị định 47/2022/NĐ-CP quy định không được sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (tính cả lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Như vậy, có thể nói rằng, đối với xe 16 chỗ sẽ không được cải tạo thành xe dưới 10 chỗ dạng limousine chở khách. Đối với những xe đã được cải tạo và cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày 1/9/2022, thì vẫn được tiếp tục sử dụng để chở khách cho đến khi hết niên hạn sử dụng. Những xe limousine được cải tạo từ ngày này sẽ không được cấp phù hiệu để kinh doanh vận tải hành khách.
(Nguồn: tienphong.vn)