1. Lễ ra quân xây dựng công trình thanh niên cấp tỉnh chào mừng Đại hội Đoàn tỉnh Quảng Nam lần thứ XIX
Ngày 11/01, tại Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ (Nam Giang), Tỉnh đoàn tổ chức Lễ ra quân xây dựng công trình thanh niên cấp tỉnh chào mừng Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2022-2027. Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Hoàng Văn Thanh; Tổng đội trưởng, Tổng đội Thanh niên xung phong Quảng Nam – Bùi Thành Vinh tham dự chương trình.
Lễ ra quân nhằm mục tiêu chào mừng Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2022-2027. Tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên ý nghĩa, mục đích của chương trình “Triệu cây xanh-Vì một Việt Nam xanh” do Trung ương Đoàn phát động; phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ trong tham gia thực hiện, đảm nhận những việc khó, việc mới gắn với xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã trao tặng 600 cây măng cụt cho Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ, góp phần hỗ trợ thanh niên khó khăn tại Làng phát triển kinh tế; trao 10 suất quà cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với tổng kinh phí gần 80 triệu đồng.
Ngay sau lễ phát động, hơn 40 đoàn viên thanh niên là cán bộ Tỉnh đoàn, đoàn viên thanh niên và người dân địa phương tham gia trồng vườn cây thanh niên tại Làng lập nghiệp Thạnh Mỹ.
Đồng chí Hoàng Văn Thanh – Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “hoạt động ra quân xây dựng công trình thanh niên lần này hướng tới chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam lần thứ XIX, tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng đối với tuổi trẻ tỉnh nhà nói riêng và tuổi trẻ cả nước nói chung”.
2. Dâng hương Cầu vinh dự - Bia di tích tại xã Tam Thăng
Ngày 12/01, Tỉnh đoàn phối hợp Hội Cựu TNXP tỉnh tổ chức Lễ dâng hương Cầu Vinh Dự - Bia di tích tại xã Tam Thăng (T.p Tam Kỳ) nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Bác Hồ đến thăm và nói chuyện tại Đại hội thi đua các Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước (12/01/1967-12/01/2022). Đồng chí Lê Quang Quỳnh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn và đồng chí Bùi Phan Toản - Chủ tịch Hội Cựu TNXP dự chương trình.
Trong chương trình, Ban tổ chức dâng hương Cầu Vinh Dự - Bia di tích tại xã Tam Thăng; trao tặng 10 suất quà cho các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta; thể hiện sự tri ân của thế hệ trẻ với những cống hiến cao cả của các cựu TNXP.
Có thể khẳng định, TNXP là một biểu tượng sáng ngời của thanh niên Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Lực lượng TNXP luôn nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất
Tổ quốc. Trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, lực lượng TNXP luôn đi đầu trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội. Những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các thế hệ TNXP là một minh chứng cho sức mạnh của thanh niên thời đại mới.
Dịp này, Thành đoàn Tam Kỳ đã trao tặng 03 suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá 300.000 đồng.
3. Chương trình công tác xã hội “Khăn hồng tình nguyện – Đông ấm cho em - Tết yêu thương” năm 2022
Ngày 13/01, Tỉnh Đoàn - Hội đồng Đội Quảng Nam và Thành Đoàn - Hội đồng Đội - Cung Thiếu nhi thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức Chương trình công tác xã hội “Khăn hồng tình nguyện – Đông ấm cho em - Tết yêu thương” năm 2022 tại Trường Tiểu học liên xã Chánh - Công (xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), với sự tham gia của 50 anh chị là Tổng phụ trách Đội trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng.
Tại chương trình, Ban Tổ chức trao tặng 01 khu vui chơi cho thiếu nhi đặt tại Nhà văn hoá thôn 6, xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn với kinh phí xây dựng 30 triệu đồng; trao hơn 300 đầu sách giáo dục với tổng trị giá 10 triệu đồng cho Trường Tiểu học liên xã Chánh – Công; trao 50 suất học bổng (30 suất 1.000.000 đồng và 20 suất 500.000 đồng) cho học sinh vượt khó học giỏi; trao 200 suất quà gồm áo ấm, sữa tươi, vở học sinh, mền cho thiếu nhi tại địa phương; trao 01 suất quà cho giáo viên tổng phụ trách Đội có hoàn cảnh khó khăn tại Phước Sơn; trao 1.000 “Khăn quàng đỏ” cho các em học sinh Trường Tiểu học liên xã Chánh – Công; thăm và tặng quà các gia đình chính sách… Ngoài ra, Hội đồng Đội tỉnh Quảng Nam phối hợp công ty Cổ phần Bibica trao tặng 200 suất quà cho thiếu nhi huyện Phước Sơn. Tổng kinh phí chương trình gần 200 triệu đồng.
Chương trình “Khăn hồng tình nguyện - Đông ấm cho em - Tết yêu thương” là hoạt động ý nghĩa được tổ chức thường niên nhằm phát huy tinh thần “Vì đàn em thân yêu” và mang lại niềm vui cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo thêm động lực để các em tiếp tục vui bước đến trường. Đồng thời tạo điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa đội ngũ phụ trách Đội trên địa bàn 02 tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Dịp này, Ban tổ chức tổ chức Viếng hương Tượng đài Chiến thắng Khâm Đức; tổ chức lì xì Tết sớm và trò chơi giao lưu cho các em đội viên huyện Phước Sơn.
4. Tỉnh đoàn thăm và tặng quà thanh niên nhập ngũ năm 2022
Sáng nay 18/1, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã đến thăm, động viên các bạn thanh niên lên đường nhập ngũ tại xã Tam Đại, huyện Phú Ninh.
Tại những nơi đến thăm, đồng chí Phạm Thị Thanh-TUV, Bí thư Tỉnh đoàn đã lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của gia đình và bản thân các thanh niên, đồng thời động viên các bạn an tâm lên đường nhập ngũ, nỗ lực rèn luyện, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng như dành thời gian suy nghĩ lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân để học và làm sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn cũng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần của các bạn trẻ dù đang có những công việc làm ổn định nhưng đã tình nguyện đã gác lại để thực hiện nghĩa vụ quân sự đợt này. Đây là hoạt động thường niên thể hiện sự quan tâm của Tỉnh đoàn cũng như các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh đối với tân binh lên đường nhập ngũ nhằm kích lệ tinh thần, động viên các tân binh hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Hội nghị Ban Chấp hành Tỉnh đoàn khoá XVIII, nhiệm kỳ 2017-2022 Ngày 24/01, tại hội trường cơ quan, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành khoá XVIII, nhiệm kỳ 2017 – 2022 thực hiện công tác nhân sự. Đồng chí Phạm Thị Thanh – UVBCH Trung ương Đoàn, TUV, Bí thư Tỉnh đoàn chủ trì hội nghị.
Tại Hội nghị, với tinh thần đoàn kết, tập trung dân chủ, Ban Chấp hành Tỉnh đoàn đã tiến hành bầu bổ sung 03 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Tỉnh đoàn, gồm: đồng chí Phạm Thị Mỹ Hạnh – Bí thư huyện đoàn Nam Trà My, đồng chí Nguyễn Thị Bích Liên – Bí thư Huyện đoàn Đông Giang, đồng chí Huỳnh Đức Trí – Bí thư huyện đoàn Phú Ninh; 02 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, gồm: Đặng Thị Ngọc Lan – Bí thư huyện đoàn Hiệp Đức, đồng chí Lê Kim Thường – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn và đồng chí Lê Quang Quỳnh – Phó Bí thư Tỉnh đoàn bầu bổ sung chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh đoàn khóa XVIII, nhiệm kỳ 2017 – 2022 với số phiếu đạt 100%.
Dịp này, thừa uỷ quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, đồng chí Phạm Thị Thanh - Uỷ viên BCH Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn trao quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn công nhận đồng chí Đặng Thị Bảo Trinh giữ chức Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XVIII, nhiệm kỳ 2017 – 2022.
5. Chương trình “Cùng Tuổi trẻ tết sẻ chia” năm 2022
Ngày 26/01, Tỉnh đoàn - Hội đồng Đội tỉnh phối hợp Báo Tuổi trẻ tổ chức chương trình “Cùng Tuổi trẻ tết sẻ chia” năm 2022. Đồng chí Phạm Thị Thanh - Bí thư Tỉnh đoàn tham dự chương trình.
Chương trình trao 100 suất quà cho đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi và nhân dân có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi suất quà trị giá 700.000 đồng, trong đó gồm phong bao lì xì trị giá 300.000 đồng và quà là bánh mứt, gạo, dầu ăn...; trao 2.000 khẩu trang y tế và 20 thùng nước tăng lực cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch covid tại xã Quế Long, huyện Quế Sơn.
Đây là tấm lòng của Tỉnh đoàn và báo Tuổi Trẻ với mong muốn mang lại cái tết ấm cúng, sẻ chia với đoàn viên thanh niên, học sinh, người dân nhân dịp tết đến xuân về.
Dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã đến thăm, tặng quà cho bí thư Chi đoàn thôn An Long (xã Quế Phong, Quế Sơn, Quảng Nam) và 02 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn chuẩn bị lên đường nhập ngũ 2022.
6. Chương trình “xuân đoàn kết – Tết thắm tình quân dân”
Ngày 27 và 28/01, tại xã Đắc Tôi (huyện Nam Giang), Tỉnh đoàn phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức chương trình “xuân đoàn kết – Tết thắm tình quân dân” năm 2022.
“Xuân đoàn kết – Tết thắm tình quân dân” là chương trình được tổ chức hằng năm nhằm chăm lo tết cho đoàn viên, thanh thiếu nhi, gia đình chính sách và gia đình có hoàn cảnh khó khăn nơi biên giới. Chương trình tổ chức tại huyện Nam Giang lần này gồm nhiều hoạt động ý nghĩa, như: tổ chức hớt tóc cho 200 lượt người dân; gói bánh chưng xanh; chiếu phim; khám bệnh, phát thuốc và tặng quà cho 100 hộ dân…
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức đã trao tặng 170 suất quà (mỗi suất gồm tiền mặt, sữa và nhu yếu phẩm thiết yếu) cho đoàn viên, thanh thiếu nhi, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trao 10 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi và trao 12 suất quà cho thanh niên chuẩn bị nhập ngũ trên địa bàn xã Đắc Tôi và Chà Vàl (huyện Nam Giang).
Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã trao 2.500 khẩu trang y tế, 02 thùng nước sát khuẩn và 30 thùng nước lọc cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch covid xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang. Với tổng giá trị gần 200 triệu đồng. Chương trình nhằm tạo không khí đón tết vui tươi, phấn khởi cho thanh thiếu nhi và nhân dân xã Đắc Tôi trong dịp năm mới. Qua đó, phát huy tinh thần xung kích, “tương thân tương ái” của tuổi trẻ tỉnh nhà trong việc chung sức giúp đỡ nhân dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
II. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI BÁC
Phòng và chống các biểu hiện tiêu cực theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tiêu cực là để chỉ những hiện tượng không lành mạnh, có tác dụng phủ định, cản trở, không tốt đối với quá trình phát triển của xã hội; tiêu cực là trái với tích cực. Tiêu cực thường được sử dụng dưới dạng: Hiện tượng tiêu cực, không lành mạnh; nảy sinh tiêu cực; đấu tranh chống tiêu cực... Tiêu cực có nguồn gốc sâu xa từ chủ nghĩa cá nhân, là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân. Để thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng "là đạo đức, là văn minh", xứng đáng với vai trò tiền phong, thì phòng và chống các biểu hiện tiêu cực là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên của Đảng cầm quyền. Những lời cảnh báo của Bác Hồ Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập không lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những biểu hiện tiêu cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên tại các cơ quan công quyền, như: “Óc bè phái. Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe. Đó là một khuyết điểm rất có hại. Nó làm cho đoàn thể mất cán bộ, kém nhất trí, thường hỏng việc. Đó là một chứng bệnh rất nguy hiểm”; “Óc hẹp hòi-Ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình. Ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình. Vì thế mà không biết liên lạc hợp tác với những người có đạo đức tài năng ở ngoài Đảng”; "Óc quân phiệt quan liêu. Khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông vua con ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới cậy quyền lấn áp"; "Ích kỷ, hủ hóa...".
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về lối sống cần, kiệm, liêm, chính. Ảnh tư liệu Đó còn là những biểu hiện thể hiện rõ tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, như: "Bệnh tị nạnhCái gì cũng muốn “bình đẳng”... Bệnh này sinh ra vì hiểu lầm hai chữ bình đẳng; “Bệnh kiêu ngạo-Tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác”; “Bệnh hiếu danh-Tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm. Đến khi bị công kích, bị phê bình thì tinh thần lung lay... Chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực”; "Bệnh cận thị-Không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ... chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ nhen mà không thấy sự lợi hại to lớn"; "Bệnh "cá nhân"... Không theo nguyên tắc sinh hoạt của Đảng... Không phục tùng mệnh lệnh, không tuân theo kỷ luật. Cứ làm theo ý mình..." Bên cạnh đó, "Bệnh xu nịnh, a dua-Lại có những người trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi. Theo gió bẻ buồm, không có khí khái"; “Kéo bè kéo cánh lại là một bệnh rất nguy hiểm nữa. Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng”... Những cán bộ, đảng viên mang trong mình các biểu hiện tiêu cực, các tật bệnh xấu này chính là những người suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, “hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể”. Có thể nói, những biểu hiện tiêu cực, sự suy thoái mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra ở trên đều là "con đẻ" của chủ nghĩa cá nhân; không chỉ phản ánh sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt của người cán bộ, đảng viên mà còn là "kẻ địch nội xâm", kẻ thù của người cách mạng. Những cán bộ, đảng viên có suy nghĩ và hành động tiêu cực này là những người không chỉ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, độc đoán, chuyên quyền, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật mà còn coi thường công tác dân vận (không lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, ngày càng rời xa quần chúng, làm trái ngược nguyên tắc phải gắn bó mật thiết với nhân dân...). Tiến hành đồng bộ, kết hợp chặt chẽ trong phòng, chống tham nhũng và tiêu cực Theo Từ điển tiếng Việt, tham nhũng là "lợi dụng quyền hành để hạch sách nhũng nhiễu dân", cho nên, tham nhũng là sản phẩm của sự tha hóa, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để mưu lợi cho cá nhân và người thân. Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, tham nhũng là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn khi họ lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được trao, được đảm nhiệm nhằm mục đích vụ lợi cho cá nhân, người thân, nhóm lợi ích... Đó là các hành vi: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi... và đó cũng chính là các biểu hiện của sự suy thoái. Vì tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện; là một loại biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cho nên phòng và đấu tranh chống tham nhũng luôn là một nhiệm vụ quan trọng, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm; được đẩy mạnh trong những nhiệm kỳ gần đây. Đặc biệt, những biểu hiện tiêu cực mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra lúc sinh thời về cơ bản cũng nằm trong số 27 biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu; trong đó, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chính là biểu hiện rõ nét nhất của sự tiêu cực đang diễn ra trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc các cơ quan công quyền.
Thực tiễn chỉ ra rằng, tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực đều là "kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta... Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính". Do đó, không phải ngẫu nhiên lần đầu tiên vấn đề phòng, chống tham nhũng lại được ghi rõ tại khoản 2, Điều 8 Hiến pháp năm 2013: "Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải... kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền". Do đó, phòng và đấu tranh chống tham nhũng, chống các biểu hiện tiêu cực không chỉ cần phải được tiến hành đồng thời, đồng bộ mà còn phải có sự kết hợp, gắn bó chặt chẽ với nhau, để phát huy hiệu quả của từng bộ phận và bảo đảm tính toàn diện của nhiệm vụ quan trọng này. Hiện thực hóa Quy định số 32-QĐ/TW của Bộ Chính trị Để thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống; đồng thời, nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, phòng và chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, ngày 16-9-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ký ban hành Quy định số 32-QĐ/TW của Bộ Chính trị về "Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực"; trong đó, nêu rõ việc gắn công tác phòng, chống tham nhũng đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Tiếp đó, ngày 25-10-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về "Những điều đảng viên không được làm" thay thế cho Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 về "Những điều đảng viên không được làm". Gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống những biểu hiện tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên chính là hiểu đúng, hiểu một cách sâu sắc những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”; “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân” và “vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”. Hiểu đúng để hành động đúng trên tinh thần "phải làm liên tục, bền bỉ, không ngừng, không nghỉ, không ngại ngần khó khăn; càng khó, càng phải quyết tâm cao, phải phối hợp tốt hơn nữa", chính là góp phần ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm và xử lý ngay từ đầu để ngăn chặn những vi phạm nhỏ, không để chúng tích tụ thành những sai phạm lớn, vụ án lớn; không để những cành cây làm hỏng một thân cây, không để một thân cây bệnh lây lan cả rừng cây như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh. Vì thế, mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên trong cả hệ thống chính trị đều phải: Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phải học tập, quán triệt và thực hiện tốt hơn nữa các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng nói chung, về học tập lý luận chính trị nói riêng trên tinh thần gắn lý luận với thực tiễn. Thông qua quá trình đó, mỗi người tự soi, tự sửa, tự rèn luyện mình theo 3 chuẩn mực và nêu gương về đạo đức cách mạng: “Tự mình phải”, “Đối với người phải”, “làm việc phải” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong tác phẩm Đường Kách mệnh, năm 1927. Trong triển khai thực hiện, chú trọng nguyên tắc “trên trước, dưới sau”, "trong trước, ngoài sau"; coi đó là việc làm thường xuyên, liên
tục, nền nếp, là nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên gắn liền với tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát. Hai là, trong công cuộc phòng, đấu tranh chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" này, cần phải tăng cường vai trò nêu gương trong rèn luyện bản lĩnh chính trị gắn với việc phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu nói riêng về mọi mặt. Trong đó, chú trọng yêu cầu sự gương mẫu trong học tập nâng cao trình độ, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý; trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác... trên tinh thần thấm nhuần cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước... Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”. Ba là, cùng với việc các cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng hiệu quả; cùng với việc bổ sung, thay thế Quy định số 47-QĐ/TW bằng Quy định số 37-QĐ/TW về "Những điều đảng viên không được làm" và sự phối hợp công tác giữa các cơ quan, ban, ngành chức năng để kịp thời nhận diện rõ hơn, cụ thể hơn các hành vi tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp có liên quan đến tham nhũng của cán bộ, đảng viên (biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tiễn trong phòng, chống tham nhũng và mở rộng thêm nội hàm đấu tranh gắn với chống tiêu cực bằng văn bản cụ thể), thì mỗi cấp ủy cũng cần phải chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, phát huy dân chủ, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong từng tổ chức cơ sở đảng để làm hạt nhân cho khối đoàn kết của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Nguồn: Trung ương Đoàn
III. THANH NIÊN QUẢNG NAM THỜI KỲ MỚI
Cống hiến sức trẻ vì cộng đồng
Với kế hoạch bài bản, đoàn viên thanh niên ở nhiều khu vực giãn cách xã hội đã tích cực đồng hành với tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ người dân trong nhiều trường hợp cấp bách.
Xung kích chống dịch Từ tháng 8 đến nay, nhiều địa phương phía bắc của tỉnh như Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc đã lần lượt tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 toàn huyện hoặc một phần để phòng dịch Covid-19. Trước tình hình đó, tuổi trẻ các địa phương đã tích cực tình nguyện ra quân “chia lửa” trong nhiều hoạt động. Điện Bàn là địa phương được lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ thí điểm lấy mẫu Covid-19 diện rộng để xây dựng phương án khống chế dịch trong tình hình mới, tuổi trẻ thị xã đã tích cực chung tay giúp sức lực lượng y tế lấy mẫu bệnh phẩm. Đã có hơn 2.000 lượt đoàn viên thanh niên địa phương tham gia hỗ trợ ngành y tế lấy hàng chục ngàn mẫu bệnh phẩm Covid-19 để tầm soát diện rộng. Ở Đại Lộc, đã có 11 lượt đoàn viên thanh niên viết đơn tình nguyện tham gia giúp đỡ các hoạt động trong khu cách ly tập trung. Ngoài ra, huyện đoàn đã tổ chức 600 lượt tuyên truyền lưu động và tại chỗ, nhất là tại các chợ, các xã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để người dân không tụ họp đông người. Tại các chốt kiểm soát cấp huyện, cấp tỉnh, đã có hàng nghìn lượt đoàn viên thanh niên của Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc làm việc trắng đêm cùng lực lượng công an, quân sự, y tế tại các chốt kiểm dịch. Dù lắm vất vả, chưa kể nguy cơ phơi nhiễm với dịch bệnh, những người trẻ đều mang trong mình tâm niệm “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ gian khổ sẽ dành phần ai” để cố gắng vượt qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chị Đặng Thị Bảo Trinh - Bí thư Thị đoàn Điện Bàn thông tin, một số đoàn viên gác lại khó khăn gia đình để xung phong làm nhiệm vụ, các kíp đoàn viên tham gia trực chốt sau khi hoàn thành nhiệm vụ còn phải cách ly theo quy định. Ngoài ra, việc trực chốt cũng đối mặt với thời tiết thất thường, cả ngày nắng rát bỏng, nhiều hôm lại mưa dông, gió giật ướt sũng cả người.
Dịch bệnh tạm lắng xuống, cũng là lúc năm học mới bắt đầu. Lực lượng đoàn viên thanh niên lại tiếp tục xắn tay vào dọn vệ sinh tại các cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi đầu tháng 9, hàng chục trường học ở 3 địa phương phía bắc đã tinh tươm trở lại để các em học sinh kịp ngày khai giảng. Bên cạnh đó, các hoạt động tình nguyện tiếp tục được duy trì khi các bạn trẻ tham gia hỗ trợ đo thân nhiệt, đảm bảo cổng trường an toàn giao thông, an toàn dịch bệnh vào dịp khai giảng và những ngày đầu năm học mới. Tiếp sức cộng đồng Dịch bệnh khiến việc di chuyển giữa các địa phương khó khăn cũng như hạn chế nhiều hoạt động tình nguyện xã hội. Do đó, lượng máu dự trữ cứu bệnh nhân tại các bệnh viện cũng trở nên khan hiếm. Đoàn viên thanh niên là lực lượng hỗ trợ hiệu quả trong một số tình huống cấp bách cần máu cứu người. Trong khoảng tháng qua, đã có hơn 30 lượt đoàn viên thanh niên Điện Bàn tình nguyện hiến máu cấp cứu cho bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam và Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức. Một số trường hợp ca phẫu thuật diễn ra vào ban đêm hoặc người bệnh cần nhóm máu hiếm nhưng đều được hỗ trợ nhanh chóng, tạo niềm cảm kích cho bệnh nhân và cộng đồng. Là “vựa” nông sản lớn trên địa bàn tỉnh, thời gian qua tuổi trẻ Đại Lộc và Điện Bàn cũng chủ động vào cuộc hỗ trợ người dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản đến vụ có nguy cơ bị ùn ứ. Trong cơn bão số 5 vừa qua, đoàn viên nhiều địa phương phía bắc của tỉnh cũng tích cực xung kích giúp dân thu hoạch hàng chục héc ta lúa. Ngay từ cấp đoàn thôn, khối phố, một số đơn vị đã chủ động xung kích thực hiện các chương trình sáng tạo, ý nghĩa như “Chuyến rau 0 đồng - giải cứu rau xanh” ở khối phố Viêm Minh (phường Điện Ngọc) vừa giúp tặng các khu cách ly, hộ gia đình cách ly tại nhà, hộ khó khăn, vừa tiêu thụ nông sản cho nông dân địa phương. Còn tuổi trẻ khối phố Ngân Hà (phường Điện Ngọc) giúp người dân đi cách ly tập trung cũng như trong khu phong tỏa gặt lúa, phơi lúa. Trong khi đó, huyện đoàn Đại Lộc cùng đoàn cơ sở đã kết nối với nhiều đơn vị tiêu thụ lượng lớn đu đủ, rau củ các loại cho nông dân các xã Đại An, Đại Nghĩa. Anh Huỳnh Thế Toàn - Phó Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc chia sẻ, ngoài hỗ trợ người dân trong huyện, tuổi trẻ Đại Lộc thời gian qua cũng tích cực góp sức vào việc đóng gói, vận chuyển hàng chục tấn thực phẩm, rau củ hỗ trợ cho các địa phương khác, nhất là TP.Đà Nẵng. Tại TP.Hội An, mô hình “shipper xanh” - đoàn viên đi chợ giúp dân đã phát huy hiệu quả trong thời điểm giãn cách xã hội. Người dân không cần ra khỏi nhà để mua sắm, việc chuyển tiền có thể bằng hình thức trực tiếp hoặc chuyển khoản đều được. Ngoài ra, nhiều trường hợp đoàn viên còn “kiêm” luôn việc “shipper” các suất ăn đến chốt kiểm dịch, góp phần không nhỏ vào việc “ai ở đâu, ở yên đó” giúp Hội An sớm khống chế dịch bệnh.
Nguồn tin: baoquangnam.vn
IV. VĂN BẢN, CHÍNH SÁCH MỚI
1. Giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%
Theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% sẽ được áp dụng từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Nội dung nghị định nêu rõ giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất. Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin.
2. Quy định mới về xuất xứ hàng hóa
Có hiệu lực từ ngày 15/02/2022, Nghị định 111/2021/NĐ-CP ban hành ngày 09/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Trong đó, Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa. Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
3. Miễn, giảm tiền sử dụng đất cho người có công
Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công như sau: Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng. Miễn tiền sử dụng đất khi mua nhà ở (loại nhà nhiều tầng nhiều hộ ở) đang thuê thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Nghị định 131/2021/NĐ-CP cũng quy định giảm tiền sử dụng đất cho người có công. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/02/2022.
4. Chỉ được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng
Theo Nghị định 134/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng. Đồng thời được xin lỗi, cải chính công khai và được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác theo quy định. Cũng theo Nghị định này, vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (quy định cũ là từ trên 5 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).
Nghị định 134/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/2/2022. 5. Quy định mới về cấp, đổi thẻ nhà báo Thông tư số 31/2021/TT-BTTTT của Bộ Thông tin &Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục cấp, đổi, cấp lại và thu hồi thẻ nhà báo, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2, thay thế Thông tư số 49/2016. Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của Thông tư này là quy định về việc người đề nghị cấp thẻ nhà báo kê khai Số định danh cá nhân (Mẫu số 01), thay vì phải kê khai một số trường thông tin (quê quán; nơi ở hiện nay; số giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân)./.
Nguồn: Dangcongsan.vn