HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Trong một bài báo viết cho Tạp chí "Vì một nền hòa bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân" vào đầu năm 1952 (Xuân Nhâm Thìn), Bác Hồ kể với bạn bè quốc tế mùa Xuân ở Việt Nam:
"May mắn hơn nhiều dân tộc khác, người Việt Nam chúng tôi cũng như các bạn Trung Quốc và Triều Tiên, mỗi năm chúng tôi có hai ngày Tết. Một lần Tết theo dương lịch. Còn một Tết thứ hai tính theo âm lịch. Đó là ngày Tết theo tục lệ cổ truyền của nhân dân. Mùa Xuân ở nước chúng tôi bắt đầu từ ngày đầu tháng Giêng Âm lịch. Khắp nơi nơi là cả một bầu không khí tuyệt vời của mùa Xuân. Mặt trời tỏa sáng, ánh sáng dịu dàng đem lại sức sống tươi vui và lành mạnh. Lúa non phủ lên các cánh đồng, khác nào những tấm thảm xanh rộng mênh mông hứa hẹn năm tới sẽ no ấm được mùa. Chim chóc hót véo von, ríu rít trong những bụi cây bốn mùa xanh tốt sum suê. Từ các lâu đài cho đến những nhà tranh bé nhỏ đều có tranh vẽ, những lời chúc mừng dán ở cửa cổng ra vào. Ngày nay những lời chúc mừng và những tranh vẽ ấy đã trở thành những khẩu hiệu đấu tranh và lao động như:
- Mở rộng phong trào thi đua yêu nước trên mặt trận đấu tranh chống quân thù, trong sản xuất, trong công việc phát triển kinh tế!
- Đấu tranh chống bệnh quan liêu, tham ô và lãng phí!
- Công việc kiến quốc nhất định sẽ thu được thắng lợi!
Trong những ngày Tết này, mọi người đều mặc những quần áo đẹp nhất mà họ có. Gia đình nào cũng nấu nướng, sửa soạn những thức ăn ngon nhất. Người ta làm lễ trước bàn thờ tổ tiên. Bạn hữu đi chúc mừng thăm hỏi lẫn nhau. Người lớn tặng quà cho trẻ con. Nhân dân gửi tặng phẩm ủng hộ bộ đội... Nói tóm lại đây thật là ngày Tết của mùa Xuân .”
Với bè bạn quốc tế, Bác Hồ kể về những ngày Tết đầm ấm, vui tươi của dân tộc ta. Với nhân dân mình, Bác có những lời khuyên nhủ để mùa Xuân và ngày Tết càng thêm có nhiều ý nghĩa.
Trước hết Bác nói đến sự gắn bó sâu sắc trong những ngày Xuân giữa làng và nước, giữa địa phương và quốc gia - đất nước, giữa Việt Nam và thế giới.
Trong bài "Mừng Xuân vĩ đại" đăng trên Báo Nhân Dân số 2141 ngày 27-1-1960, Bác viết:
"Xưa kia, người ta chỉ mừng Xuân hẹp hòi trong khuôn khổ gia đình. Ngày nay chúng ta mừng Xuân rộng rãi, từ gia đình đến cả nước, đến khắp thế giới".
Hồ Chủ tịch thường căn dặn là phải hết sức tiết kiệm trong những ngày đón Xuân. Cũng trong bài "Mừng Xuân vĩ đại" Bác nhắc nhở "Chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ, tưng bừng, nhưng tuyệt đối không lãng phí".
Trên Báo Nhân Dân số 2132, ngày 28/1/1960, trong bài "Mừng Tết Nguyên đán thế nào?" Bác viết:
"Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất. Nhân ngày Nguyên Đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào Xuân. Việc đó cũng đúng thôi.
Nhưng chúng ta nên mừng Xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân. Nên nhớ rằng chúng ta phải cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, không nên vì một cớ gì mà quên nhiệm vụ ấy.
Các đồng chí cán bộ ta cần phải hướng dẫn đồng bào làm cho ngày Tết vui vẻ và tưng bừng, tiết kiệm và thắng lợi".
Trong sách "Thanh Hóa khắc sâu lời Bác" (1975), Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Thanh Hóa có ghi lại lời dặn dò của Bác Hồ với cán bộ và nhân dân tỉnh nhà nhân dịp Bác về thăm Thanh Hóa (1957): "Chúng ta làm việc suốt năm, vui ngày Tết là xứng đáng, nhưng vui một cách lành mạnh thì nên vui. Tôi mong các cụ các bà chống lãng phí, vì lãng phí chỉ có hại cho dân, cho nước, cho nhà, vì nó đưa đến phong tục hủ bại, rượu chè, hút xách...".
Bác khuyên trong những ngày Tết, "Không nên chơi bời quá độ mà phải có chừng độ. Chơi quá độ, bừa bãi không nên. Nếu chơi nhiều thì không tăng gia sản xuất, học tập được. Ta có câu "Lạc bất khả cực, lạc cực sinh ai". Nghĩa là vui không nên quá mức, vui quá mức đi đến cái buồn".
Trên Báo Nhân dân ngày 18/1/1960, nhắc nhở đồng bào cố gắng tiết kiệm, đừng lãng phí trong ngày Tết, Hồ Chủ tịch có mấy câu thơ vừa giản dị, vừa sâu sắc:
Trăm năm trong cõi người ta,
Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan,
Mừng Xuân, Xuân cả thế gian
Phải đâu lãng phí, cỗ bàn mới Xuân.
Bác Hồ cũng thường nhắc nhở rằng đón Tết, vui Xuân trong ngày đầu năm phải nghĩ đến công việc của cả năm. Bác viết trong bài "Mùa Xuân quyết thắng" trên Báo Nhân Dân số 2147 ngày 3/2/1960.
Tục ngữ có câu: "Suốt năm kế hoạch, định từ mùa Xuân" (Nhất niên chi kế, thi ư Xuân). Thật đúng như vậy. Mùa Xuân thì trời vui, đất vui, người càng vui. Cho nên ngay từ đầu mùa Xuân mọi công việc làm được tốt, thì cả năm sẽ phát triển tốt và kết quả tốt". Từ ngày Tết đầu năm phải lo nghĩ" để hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, để Xuân sau thắng lợi hơn Xuân này".
Bác Hồ tuy đã đi xa, nhưng người Việt Nam cảm thấy như Bác vẫn ở bên cạnh mình. Và cứ mỗi dịp Xuân về, nhân dân ta vẫn cảm thấy như có Bác trong ngày Tết ấm áp, vẫn nghe rõ những lời Bác căn dặn:
"Hãy mừng Xuân rộng rãi từ gia đình đến cả nước", "Hãy mừng Xuân vui vẻ tưng bừng nhưng tuyệt đối không lãng phí" và hãy nhớ câu tục ngữ: "Suốt năm kế hoạch, định từ mùa Xuân".
THEO DÒNG LỊCH SỬ - NGÀY NÀY NĂM ẤY
+ Ngày 02/01/1963: Ngày Chiến thắng Ấp Bắc.
+ Ngày 06/01/1946: Ngày Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
+ Ngày 7/01/1979: Ngày Chiến thắng biên giới Tây Nam chống quân xâm lược.
+ Ngày 9/01/1950: Ngày truyền thống học sinh - sinh viên.
+ Ngày 11/01/1960: Ngày tết trồng cây.
+ Ngày 13/01/1941: Ngày Khởi nghĩa Đô Lương.
+ Ngày 27/01/1973: Ngày Kí Hiệp định Paris.
+ Ngày 29/01/1258: Ngày chiến thắng Nguyên - Mông lần thứ nhất. NGÀY TRUYỀN THỐNG HỌC SINH, SINH VIÊN VIỆT NAM.
Từ giữa năm 1949 đến đầu năm 1950 phong trào đấu tranh của thanh niên học sinh, sinh viên chống chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, chúng “độc lập” giả hiệu, chống khủng bố đàn áp, đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, đòi được học tiếng mẹ đẻ,…đã diễn ra rầm rộ, liên tục và rộng khắp từ Nam chí Bắc. Tại Saì Gòn, các tầng lớp đồng bào cũng tích cực hưởng ứng dưới nhiều hình thức: biểu tình chống sưu thuế, chống bắt lính, đòi công ăn việc làm. Học sinh, sinh viên bãi trường, bãi khóa liên miên.
Ngày 09/01/1950, Đoàn Thanh Niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh , sinh viên các trường Pétrus Ký, Gia Long, Nguyễn Văn Khuê, Huỳnh Khương Ninh, trường Đại học Y Dược, Pháp Lý, các trường chuyên nghiệp vô tuyến điện, công chính, kỹ thuật, khoa học,… cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi bảo đảm an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt - trong đó có Ban lãnh đaọ học sinh cứu quốc Saì Gòn. Đoàn biểu tình kéo đến Nha học chính và Dinh thủ hiến bù nhìn đưa yêu sách. Bọn cảnh sát và lính lê dương ra đàn áp dã man đoàn biểu tình. Thái độ đó đã làm đám đông phẫn nộ, bùng nổ cuộc xung đột. Những người biểu tình dùng mọi thứ vũ khí có trong tay chống trả quyết liệt với lính Pháp, lính Âu Phi và công an Bình Xuyên. Trần Văn Ơn, người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của học sinh, sinh viên đã bị bọn chúng giết hại trong cuộc xung đột đó.
Tại Sài Gòn, ngày 12/01/1950 đám tang anh Trần Văn Ơn đã biến thành cuộc biểu tình thị uy của trên 5 vạn người đứng trên các hè phố tiễn đưa anh. Lễ tang anh Trần Văn Ơn cũng đã được cử hành trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Hàng triệu lượt học sinh, sinh viên và đồng bào các giới đã đeo băng tang truy điệu với lòng thương tiếc và xuống đường tuần hành bày tỏ ý chí căm thù.
Bài điếu văn trong buổi lễ tang có câu :
“ Ai chết vinh buồn chăng ?
Ai sống nhục thẹn chăng ?”
Những câu hỏi đó cứ vang mãi trong những tháng năm đen tối của đất nước, thúc giục bao thế hệ trẻ noi gương Trần Văn Ơn, quên mình xông lên phía trước.
Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam tháng 2/1950 tại căn cứ địa Việt Bắc đã lấy ngày 09/01 làm ngày truyền thống hàng năm của học sinh, sinh viên Việt Nam. Truyền thống vẻ vang đó đã được các thế hệ học sinh, sinh viên kế thừa oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trở thành bất diệt. Nguồn:lichsuvietnam.vn