Huyện đoàn Nông sơn - tỉnh Quảng Nam

Tài liệu sinh hoạt chi đoàn- chi hội tháng 11-2023

Thứ sáu - 03/11/2023 11:30
Tài liệu sinh hoạt chi đoàn- chi hội tháng 11-2023
I. TIN TỨC, SỰ KIỆN
1. Trao học bổng Vừ A Dính cho học sinh dân tộc thiểu số và học sinh vùng biển đảo Quảng Nam
 
Ngày 27/10, Tỉnh đoàn phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, Qũy Học bổng Vừ A Dính, Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” tổ chức trao tặng học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng biển đảo tỉnh Quảng Nam và con của gia đình Sĩ quan - quân nhân chuyên nghiệp Vùng Cảnh sát biển II.
Đến dự chương trình có đồng chí Trương Mỹ Hoa, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”; đồng chí Đặng Ngọc Tùng - Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”; đồng chí Huỳnh Thị Thùy Dung – UVBTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; đồng chí Trần Anh Tuấn – Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và đồng chí Phạm Thị Thanh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn – Tỉnh ủy viên – Bí thư Tỉnh đoàn.
Tại Chương trình, Qũy học bổng Vừ A Dính trao 80 suất học bổng cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn và Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa-Trường Sa thân yêu” trao 80 suất học bổng  cho học sinh vùng biển đảo của tỉnh Quảng Nam, mỗi suất trị giá 1.000.000đ đồng.
Quỹ học bổng Vừ A Dính và Câu lạc bộ” Vì Hoàng Sa- Trường Sa thân yêu” cũng trao tặng 100 suất học bổng năm học 2022-2023 và 2023-2024, mỗi suất trị giá 1.000.000đ đồng cho con sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Vùng cảnh sát biển Vùng II, Hải Quân.
Phát biểu tại buổi lễ, Nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính và CLB “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” Trương Mỹ Hoa, cho biết việc trao học bổng sẽ tiếp thêm sức mạnh tinh thần để các em có thêm nghị lực, niềm tin vượt qua khó khăn, phấn đấu học tập để thực hiện ước mơ của mình.
Theo đồng chí Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, những suất học bổng này góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo như học bổng “Ươm mầm tương lai”, “Chắp cánh ước mơ” và “Mở đường đến tương lai”, “Hỗ trợ sinh viên”. Rất nhiều học sinh, sinh viên sau khi ra trường đã có công ăn việc làm ổn định và trưởng thành từ những dự án này của Quỹ học bổng Vừ A Dính và CLB “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”.
2. Diễn đàn "Tuổi trẻ với nhiệm vụ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Quảng Nam"
Để góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên về vị trí, vai trò của văn hóa, sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay gắn với nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức diễn đàn “Tuổi trẻ với nhiệm vụ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Quảng Nam” tại Văn Thánh Khổng Miếu (TP. Tam Kỳ). Diễn đàn được livestream phát sóng trực tiếp trên Ứng dụng Thanh niên Việt Nam.
Tham dự có đồng chí Huỳnh Thị Thùy Dung – UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Thị Thanh – UVBCH Trung ương Đoàn, TUV, Bí thư Tỉnh đoàn; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch; đại diện Bí thư, Phó Bí thư phụ trách các huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực thuộc cùng hơn 250 đoàn viên thanh niên trên địa bàn.
Tại diễn đàn, các đại biểu được xem phóng sự Tuổi trẻ Quảng Nam trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và thưởng thức phần trình diễn áo dài, các tiết mục văn nghệ mang nét đặc sắc của Vùng quê Xứ Quảng do Đoàn ca kịch Quảng Nam, các bạn đoàn viên, thanh thiếu nhi Quảng Nam biểu diễn.
Với chủ đề “Tuổi trẻ với nhiệm vụ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Quảng Nam”, diễn đàn đã diễn ra trong không khí sôi động, cởi mở. Các khách mời chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến nét khác biệt, đặc sắc tạo nên bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc tại chỗ; việc bảo tồn và phát triển văn hóa ở địa phương; vai trò của tuổi trẻ trong tham gia giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thông; một số giải pháp ứng dụng công nghệ để tiếp cận gìn giữ, quảng bá phát triển văn hóa trong không gian 4.0 hiện nay…
Diễn đàn góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên về vị trí, vai trò của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là định hướng và phát huy những giá trị cao đẹp của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa.
Đồng thời là cơ hội để tuổi trẻ Quảng Nam đóng góp thêm tiếng nói của mình trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa bản địa của tỉnh Quảng Nam nói riêng trong thời kỳ kỷ nguyên số.
Dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tuyên dương, khen thưởng 6 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa; khen thưởng 7 tập thể có thành tích xuất sắc trong đợt cao điểm triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2022 – 2027)
3. Hội nghị Báo cáo viên, sinh hoạt CLB Lý luận trẻ, Ban Chỉ đạo 35 cấp tỉnh và sơ kết công tác Tuyên giáo quý III năm 2023
Ngày 01/11, Tỉnh đoàn tổ chức Hội nghị Báo cáo viên, sinh hoạt CLB Lý luận trẻ, Ban Chỉ đạo 35 cấp tỉnh và sơ kết công tác Tuyên giáo quý III năm 2023, với sự tham gia của đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh; Bí thư, Phó Bí thư phụ trách đoàn cấp huyện, thành viên Câu lạc bộ lý luận trẻ cấp tỉnh và Ban Chỉ đạo 35 cấp tỉnh của Đoàn.
Tại hội nghị, các đại biểu được các báo cáo viên truyền đạt, thông tin về các nội dung trọng tâm như: Thông tin về tình hình thời sự trong nước và quốc tế, một số chủ trương về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Tuyên truyền pháp luật về an toàn, an ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dựng công nghệ cao; Thực hành hướng dẫn sử dụng một số phần mềm, thao tác trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Hướng dẫn tạo lập, liên kết các trang, nhóm, tài khoản Facebook của các cấp bộ Đoàn ở cấp huyện và cơ sở… Đồng thời, đánh giá tình hình công tác Tuyên giáo trong thời gian qua và định hướng, triển khai một số nhiệm vụ trong thời gian tới. 
Đây là hoạt động định kỳ do Tỉnh đoàn tổ chức nhằm tuyên truyền sâu rộng về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các thông tin cần thiết về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng, dư luận xã hội trong thanh niên, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cần thiết qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng báo cáo viên. Tạo điều kiện để đội ngũ báo cáo viên các cấp chủ động, học hỏi, trau dồi kiến thức, sáng tạo trong công tác truyền đạt những nội dung cơ bản đã được tiếp thu; tăng cường tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho Đoàn viên, thanh thiếu niên và nhân dân. 
II. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI BÁC
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng của tinh hoa và khí phách dân tộc Việt Nam
“Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử. “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Tất cả những gì tốt đẹp nhất của dân tộc ta trong hàng nghìn năm lịch sử đều được kết tinh, hun đúc, sống dậy, tràn đầy sức mạnh hơn bao giờ hết trong cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, trong thời đại Hồ Chí Minh. 
Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm chứa những giá trị tinh thần cao quý như độc lập, tự do, hạnh phúc, loại bỏ bất công, bất bình đẳng, hòa bình và công lý, một thế giới mới chống lại đói nghèo, bệnh tật, dốt nát.
Chủ nghĩa yêu nước,giá trị hàng đầu, nhất quán, sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam xuất hiện từ thời cổ đại, phát triển qua các giai đoạn lịch sử, đến thời đại Hồ Chí Minh, là một triết lý xã hội và nhân sinh của người Việt Nam và nếu dùng từ “đạo” với nguyên nghĩa của nó là “đường”, là hướng đi thì đích thực là đạo Việt Nam”(1). Trải qua các giai đoạn lịch sử từ cái nôi Văn Lang - Âu Lạc đến thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc chống đô hộ Hán, Đường, qua kháng chiến chống xâm lược thế kỷ X đến thế kỷ XVIII, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam có cách biểu hiện cao thấp, sắc thái khác nhau, nhưng ngày càng phát triển cả bề rộng và sâu, đậm đà cốt cách Việt Nam. Đến giai đoạn lịch sử cận đại, khi triều Nguyễn lên ngôi, giai cấp phong kiến Việt Nam từng bước từ bỏ ngọn cờ yêu nước, giai cấp tư sản không đủ sức giương cao ngọn cờ yêu nước, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được giai cấp công nhân nâng lên một tầm cao mới.
Được ánh sáng khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Lênin (chủ nghĩa Mác - Lênin) soi sáng, Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản. Từ đó trở đi, Người cùng với Đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam - Đảng do Người sáng lập và rèn luyện - phát kiến lại chủ nghĩa yêu nước truyền thống, đưa vào những nội dung mới, chất lượng mới, trở thành một bộ phận của tinh thần quốc tế, kết hợp nhuần nhuyễn, phát huy một cách hài hòa với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong toàn bộ tiến trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa yêu nước là thứ của quý, động lực tinh thần lớn nhất cho cách mạng, kháng chiến và xây dựng. Người khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(2). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần yêu nước “có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng, dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”(3).
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát kiến lại chủ nghĩa yêu nước truyền thống không phải bằng lý luận, sách vở thuần túy mà chủ yếu thông qua thực tiễn giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Người sử dụng liên tục chủ nghĩa yêu nước như một vũ khí và rèn luyện vũ khí ấy ngày càng sắc bén trong trường kỳ cách mạng và kháng chiến. Người chỉ rõ: “Chính do tinh thần yêu nước mà quân đội và nhân dân ta đã mấy năm trường chịu đựng trăm đắng nghìn cay, kiên quyết đánh cho tan bọn thực dân cướp nước và bọn Việt gian phản quốc, kiên quyết xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường, một nước Việt Nam dân chủ mới”(4).
Sau gần 90 năm (1858-1945), dân tộc ta đánh Pháp, Nhật và chế độ phong kiến với tinh thần Hồ Chí Minh trong lời hiệu triệu: “Dân ta một cổ hai tròng. Đã làm trâu ngựa cho Tây, lại làm nô lệ cho Nhật. Trước tình cảnh đau đớn, xót xa ấy, ta có chịu khoanh tay chờ chết không? Không, quyết không! Hơn 20 triệu con Lạc cháu Hồng quyết không chịu làm vong quốc nô lệ mãi!... Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm”(5). Cuối cùng, chúng ta đã thắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân tộc ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa… Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!(6).
Khi thực dân Pháp trở lại cướp nước ta một lần nữa, lời hịch của ông cha ta tự ngàn xưa vang vọng trong lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Chúng ta phải đứng lên… Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy, gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”(7). Sau chín năm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn, đem thân làm giá súng”, chúng ta đã viết nên thiên sử vàng Điện Biên, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Hơn hai mươi năm tiếp theo, khi đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ở cả miền Nam và miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ rõ hào khí Việt Nam, khảng khái tuyên bố rằng đế quốc Mỹ có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng. “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”(8). “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn… Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”(9). Cuối cùng, Mỹ phải cút, ngụy phải nhào, Tổ quốc thống nhất, giang sơn thu về một mối. Chúng ta “có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”(10).
Nhiều dân tộc trên thế giới bị xâm lược và đứng lên chống xâm lược, không riêng Việt Nam, nhưng như Việt Nam thì không nhiều. Nhiều người nước ngoài không hiểu nổi sức mạnh của dân tộc Việt Nam là gì? Vì sao dân tộc Việt Nam thời trung đại, không những không bị Hán hóa, mà còn giành được độc lập dân tộc? Ba lần đánh bại quân Mông, Nguyên, những kẻ luôn luôn chiến thắng từ Á sang Âu? Từ một nước nông nghiệp, khoa học kỹ thuật kém phát triển, đã vùng lên giải phóng, đánh bại các cuộc xâm lược của các đế quốc hùng mạnh là Pháp và Mỹ? Còn nhiều câu hỏi vẫn phải tiếp tục tìm câu trả lời hoàn toàn thuyết phục.
Việt Nam đất không rộng, người không đông, vũ khí súng đạn không nhiều, không lớn, luôn phải đối mặt với những cường quốc to lớn hơn mình gấp nhiều lần. Vậy khí phách của dân tộc Việt Nam là gì? Câu trả lời nằm ở chỗ một dân tộc biết đặt tâm lý tinh thần độc lập tự cường lên hàng đầu; luôn coi trọng luân lý biết hy sinh lợi ích cá nhân mình, làm lợi cho quần chúng. Những cuộc khởi nghĩa và chiến tranh kéo dài hàng nghìn năm đã nhào nặn tâm hồn Việt Nam, đạo lý và khí phách Việt Nam. Chúng ta tự hào về một dân tộc rắn rỏi, kiên trung, hiên ngang, có tinh thần độc lập tự chủ, lạc quan, sáng tạo, thương người, chính nghĩa, đại nghĩa, trước “sóng cả không ngã tay chèo”.
Những giá trị đó có tự ngàn xưa, được vun bồi, kết tinh, sống dậy trong Hồ Chí Minh, phát sáng hào quang. Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng rực rỡ của cuộc chiến đấu giành tự do; là mẫu mực xuất chúng về mọi đức tính nhân đạo, tượng trưng cho tinh thần của dân tộc “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(11); “một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”(12); “muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp mình đã”(13). Để khởi nghĩa thắng lợi, Người khái quát và nâng cao tinh thần, khí phách của dân tộc: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(14).
Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tuyệt vời về nhiệt tình, chí khí cách mạng kiên cường, khí phách anh hùng, tinh thần độc lập tự do, một lòng kiên trì cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ, lâu dài, phức tạp, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; thắng không kiêu, bại không nản. Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ rõ phẩm chất của một nhà yêu nước chân chính, một chiến sĩ cách mạng vô sản dũng cảm kiên cường, triệt để, suốt đời hy sinh phấn đấu với niềm tin và tư thế của một người chiến thắng. Đó là khí phách và khát vọng của những người được sứ mạng lịch sử trao cho là đánh đổ xã hội cũ áp bức, bóc lột, bất công, xây dựng xã hội mới của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy dân làm gốc.
Nguyễn Trãi viết: 
“Lấy đại nghĩa thắng hùng tàn
Dùng chí nhân thay cường bạo”.
“Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt tối rồi lại minh
Để mở nền muôn thuở thái bình
Để rửa nỗi nghìn thu sỉ nhục”.
Đó là một khía cạnh đặc trưng thuộc tinh hoa và khí phách của dân tộc Việt Nam - tinh hoa và khí phách về khát vọng đổi mới, hạnh phúc và phát triển bền vững, thái bình. Hồ Chí Minh tiếp nối, phát triển, nâng cao khát vọng đó với tâm nguyện đến ngày thắng lợi sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, hơn mười ngày nay. Trong Di chúc, Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(15).
Thế giới khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chiến sĩ cộng sản theo chủ nghĩa quốc tế, đồng thời tượng trưng cho dân tộc mình, một dân tộc trải qua hàng nghìn năm lịch sử, từ thời cổ trung đại đến cận hiện đại đã tiến hành liên tục các cuộc đấu tranh anh hùng để bênh vực những giá trị đạo đức cao cả, chân chính không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà cả với nhân loại, đó là quyền sống, độc lập, tự do, hạnh phúc, công lý cho mọi dân tộc và vì mọi người, bình đẳng giữa các dân tộc, thế giới hòa bình.
Năm 1980, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới, Rômét Chanđra nhấn mạnh: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”(16).
Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ rõ phẩm chất của một nhà yêu nước chân chính, một chiến sĩ cách mạng vô sản dũng cảm kiên cường, triệt để, suốt đời hy sinh phấn đấu với niềm tin và tư thế của một người chiến thắng. Đó là khí phách và khát vọng của những người được sứ mạng lịch sử trao cho là đánh đổ xã hội cũ áp bức, bóc lột, bất công, xây dựng xã hội mới của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy dân làm gốc.
Hai mươi năm sau, năm 2000, trên cương vị Chủ tịch danh dự Hội đồng Hòa bình thế giới, phát biểu trong Hội thảo quốc tế “Việt Nam trong thế kỷ XX”, Rômét Chanđa có một phát hiện độc đáo khác: “Trong nửa sau thế kỷ XX, có một từ đã xuất hiện trong tiếng nói của những người bảo vệ và kiến tạo hòa bình trên thế giới, một từ mà cùng một lúc mang rất nhiều ý nghĩa: đấu tranh, dũng cảm, anh hùng; và nó còn có ý nghĩa là chiến thắng, độc lập, tự do. Từ đó là Việt Nam. Và có một cái tên luôn luôn gắn với từ này - từ chỉ tên của một đất nước. Đó là Hồ Chí Minh… Người là niềm cảm hứng cho cuộc đấu tranh bất khuất của dân tộc mình, và cũng là nguồn cảm hứng cho tất cả các dân tộc đang đấu tranh cho những điều tốt đẹp nhất của nhân loại. Lời nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã vang vọng khắp mọi nơi và nó đã được phụ nữ, nam giới trên khắp các châu lục, những người đang chiến đấu để giành lấy những mục tiêu thiêng liêng đó, hưởng ứng”(17).
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại, “một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(18).
Vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta khẳng định: “Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử. “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đó là lời kêu gọi cứu nước khẩn thiết hiện nay của Tổ quốc, là lời hịch của ông cha ta vang vọng tự ngàn xưa, là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta đối với muôn đời con cháu”(19). Người “là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta”(20).
Đánh giá, ghi nhận của Đảng ta và bè bạn quốc tế là sự khái quát cao, cô đọng, súc tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu tượng cho tinh hoa và khí phách của nhân dân Việt Nam anh hùng.
PGS.TS. Bùi Đình Phong
III. THEO DÒNG LỊCH SỬ
Ngày 7/11: Kỷ niệm 106 năm Ngày Cách mạng tháng mười Nga thành công (7/11/1917-7/11/2023)
Ngày 9/11: Kỷ niệm 10 năm Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam (9/11/2013 - 9/11/2023)
Ngày 18/11: Kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 -18/11/2023)
Ngày 20/11: Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023)
Ngày 28/11: Kỷ niệm 203 năm ngày sinh Ph. Ăng-ghen (28/11/1920-28/11/2023)
* TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 41 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 - 20/11/2023)
Tháng 01/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (thủ đô nước Pháp) lấy tên là FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục).
Năm 1949, tại Hội nghị quốc tế Vacsava (Varsovie - Thủ đô của Ba Lan) tổ chức FISE xây dựng một bản "Hiến chương nhà giáo" gồm 15 chương. Nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến; xây dựng nền giáo dục tiến bộ; bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE với mục đích tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh. Đồng thời, giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.
Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập (22/7/1951), Công đoàn giáo dục Việt Nam đã được kết nạp là một thành viên của FISE.
Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Thủ đô Vacsava, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Lần đầu tiên ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta vào ngày 20/11/1958. Những năm sau đó, ngày lễ 20/11 còn được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam.
Theo đề nghị của ngành Giáo dục, ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167 - HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong đó có điều khoản quy định, lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ngày 20/11/1982, là lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước ta. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người.
* Ý nghĩa của Ngày nhà giáo Việt Nam
Ngày 20/11 sớm đã trở thành một ngày lễ kỷ niệm nghề giáo truyền thống của Việt Nam. Điều này vô cùng phù hợp với một dân tộc hiếu học và truyền thống tôn sư trọng đạo như Việt Nam. Ngày 20/11 chính là dịp để thế hệ học sinh thể hiện lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đến thầy cô giáo của mình. Dù đang ngồi hay rời xa ghế nhà trường, cứ đến ngày 20/11, mọi người đều hướng đến thầy cô giáo, gửi những lời chúc, những món quà tốt đẹp đến thầy cô.
IV. VĂN BẢN, CHÍNH SÁCH MỚI
1. Giảm 30% tiền thuê đất năm 2023
Theo Quyết định 25/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023 có hiệu lực từ ngày 20/11/2023, giảm 30% tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 đối với người thuê đất theo quy định; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2023 và tiền chậm nộp (nếu có).
Mức giảm tiền thuê đất nêu trên được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 theo quy định của pháp luật. Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ theo quy định của pháp luật (trừ số tiền thuê đất được giảm theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ).
2. Quy định mới về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe công
Từ ngày 10/11, Nghị định số 72/2023/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô có hiệu lực thi hành.
Chức danh được sử dụng thường xuyên một ô tô, kể cả khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá gồm: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Chức danh được sử dụng thường xuyên một ô tô trong thời gian công tác, không quy định mức giá gồm Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội.
Đối với các chức danh được sử dụng thường xuyên một ô tô công trong thời gian công tác, Nghị định số 72/2023/NĐ-CP chia làm ba bậc với 3 mức giá mua xe là 1,5 tỷ đồng, 1,55 tỷ đồng và 1,6 tỷ đồng/xe.
Chức danh được sử dụng ô tô giá 1,55 tỷ đồng gồm: Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Trưởng tổ chức chính trị - xã hội Trung ương được ngân sách Nhà nước (NSNN) đảm bảo kinh phí hoạt động; Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư tỉnh, thành ủy, Đảng ủy Khối trực thuộc Trung ương; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các chức danh Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, cũng được sử dụng xe 1,55 tỷ đồng.
3. Quy định mới về thu phí lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 62/2023/TT-BTC ngày 3/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 18/11/2023.
Theo đó, tổ chức thu phí là Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an xã, phường, thị trấn.
Tổ chức thu phí được trích lại 25% (thay cho mức 20% theo quy định tại Thông tư số 25/2021/TT-BTC) số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.
4. Xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành thống kê
Thông tư số 08/2023/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hiệu lực từ 15/11/2023 quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành thống kê.
Theo đó, các ngạch công chức chuyên ngành thống kê sẽ được xếp lương như sau:
- Ngạch Thống kê viên cao cấp (mã số 23.261): Hệ số lương 6,20 - 8,00, tương đương 9,238 đến 11,92 triệu đồng/tháng.
- Ngạch Thống kê viên chính (mã số 23.262): Hệ số lương 4,40 - 6,78, tương đương 6,556 đến 10,102 triệu đồng/tháng.
- Ngạch Thống kê viên (mã số 23.263): Hệ số lương 2,34 - 4,98, tương đương 3,486 - 7,420 triệu đồng/tháng.
- Ngạch Thống kê viên trung cấp (mã số 23.264): Hệ số lương 2,10 - 4,89, tương đương 3,129 đến 7,286 triệu đồng/tháng.
- Ngạch Nhân viên thống kê (mã số 23.265): Hệ số lương 1,86 - 4,06, tương đương 2,771 đến 6,049 triệu đồng/tháng.
5. Quy định mới về cung cấp thông tin của Bộ Công an trên Internet
Thông tư 45/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định về cung cấp thông tin của lực lượng Công an Nhân dân trên môi trường mạng có hiệu lực từ ngày 15/11/2023.
Theo đó, thông tin được công an cung cấp trên môi trường mạng là công khai, không thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật nghiệp vụ và nội bộ ngành; phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Công an nhân dân.
Trong đó có thông tin chỉ đạo, điều hành, hoạt động của lãnh đạo Bộ Công an; thông tin cung cấp cho báo chí về vấn đề liên quan công tác công an mà dư luận xã hội quan tâm; vụ án, vụ việc đang được cơ quan công an điều tra, xác minh mà xét thấy việc cung cấp thông tin là cần thiết.
Ngoài ra, trong danh mục này còn có nội dung Bộ Công an trả lời kiến nghị của cử tri; lịch tiếp công dân của lãnh đạo bộ; điểm tin Interpol; thông tin về đối tượng truy nã, truy tìm; thông tin về các tổ chức, cá nhân liên quan khủng bố; cảnh báo, tố giác tội phạm; dịch vụ công trực tuyến.
6. Hướng dẫn một số nội dung về chương trình phát triển đô thị
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-BXD ngày 8/9/2023 hướng dẫn một số nội dung về chương trình phát triển đô thị. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 10/11/2023.
Thông tư này hướng dẫn về nội dung, hồ sơ, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, công bố và lưu trữ chương trình phát triển đô thị; áp dụng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động có liên quan đến chương trình phát triển đô thị.
Quy định mới về mức thu phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm
Thông tư số 61/2023/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 28/9/2023 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm (đăng ký biện pháp bảo đảm) đối với động sản (trừ chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tàu bay), tàu biển, cây hằng năm theo quy định tại Luật Trồng trọt, công trình tạm theo quy định tại Luật Xây dựng, gồm:
a) Phí đăng ký giao dịch bảo đảm.
b) Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm.
c) Phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.
Tổ chức thu phí là Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản được để lại 85% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí (bao gồm cả chi phí để Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trang trải cho việc quản lý, vận hành, duy trì Hệ thống đăng ký trực tuyến, cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp); nộp 15% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Tổ chức thu phí là cơ quan Nhà nước: Nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào NSNN. Nguồn chi phí trang trải cho việc cung cấp dịch vụ, thu phí do NSNN bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi NSNN.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2023.
BIÊN TẬP BAN TỔ CHỨC – KIỂM TRA TỈNH ĐOÀN

Nguồn tin: Huyện đoàn- Hội LHTN Việt Nam huyện Nông Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bản quyền 2012 thuộc về Huyện đoàn Nông Sơn - Chịu trách nhiệm nội dung: BTV Huyện đoàn
Địa chỉ: Trung Hạ - Quế Trung - Nông Sơn - Quảng Nam | Tel: 02353.656970 | Email: huyendoannongson@gmail.com
Design by Mr.Lưu | 0905.914411 | 
Thiet ke Website Quang Nam
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây