Huyện đoàn Nông sơn - tỉnh Quảng Nam

Tài liệu sinh hoạt chi đoàn- chi hội tháng 10-2023

Thứ ba - 03/10/2023 11:13
Tài liệu sinh hoạt chi đoàn- chi hội tháng 10-2023
I. TIN TỨC, SỰ KIỆN
1. Hội nghị tổng kết Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2023
Tỉnh đoàn Quảng Nam vừa tổ chức Hội nghị tổng kết Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2023, tại Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hoàng Văn Thanh chủ trì hội nghị.
Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2023, gồm 01 Chương trình “Tiếp sức mùa thi” và 4 Chiến dịch tình nguyện: Mùa hè xanh, Hoa phượng đỏ, Kỳ nghỉ hồng và Hành quân xanh. Sau 3 tháng triển khai, chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều nội dung thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra. Toàn tỉnh thực hiện 211 công trình thanh niên với tổng trị giá hơn 5 tỷ 217 triệu đồng; Xây dựng mới 84 tuyến phố văn minh với các tiêu chí “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - An toàn”;Xây dựng mới 28 nhà nhân ái, nhà tình nghĩa, nhà khăn quàng đỏ, nhà bán trú; Trồng mới 165.214 cây xanh; Sửa chữa 51 km, làm mới 23 km đường giao thông nông thôn.;Nâng cao năng lực số cho 104.180 lượt thanh thiếu nhi và người dân;Tư vấn hướng nghiệp và việc làm cho 9.812 đoàn viên, thanh niên; giới thiệu việc làm cho 2.762 thanh niên; Hỗ trợ 6.317 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn và 185 hộ thanh niên thoát nghèo bền vững,…
Một nét nổi bật trong năm 2023 khác những năm trước là Tỉnh đoàn tập trung triển khai liên tiếp 3 chiến dịch: kỳ nghỉ hồng, hành quân xanh, hoa phượng đỏ với sự tham gia của hơn 500 đoàn viên thanh tập trung tại xã biên giới Tr’hy, huyện Tây Giang với nhiều công trình phần việc thiết thực, giá trị cao, hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới.
Dịp này, Tỉnh đoàn đã khen thưởng 20 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chiến dịch hè năm 2023.
2. Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông năm 2023 ở Núi Thành
Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh vừa tổ chức Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông năm 2023 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” tại trường THPT Núi Thanh với sự tham gia của gần 1.000 đoàn viên thanh niên..
“Năm nay, Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông tổ chức vào thời điểm học sinh vừa bắt đầu năm học mới. Đây là hoạt động cần thiết để nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến về hành vi trong thanh, thiếu niên khi tham gia giao thông; góp phần hình thành văn hóa giao thông chung trong cộng đồng, mang lại cuộc sống bình yên, an toàn” – anh Thanh cho biết.
Tại ngày hội, các đoàn viên, thanh niên được trải nghiệm các hoạt động bổ ích nhằm nâng cao ý thức khi tham gia giao thông an toàn, như: Ra mắt đội hình thanh niên xung kích tình nguyện đảm bảo trật tự an toàn giao thông; Ký cam kết tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2023; Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông; ra quân diễu hành tuyên truyền an toàn giao thông; Chỉnh trang các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt an toàn; Trao tặng dụng cụ nổi cứu sinh cho các phương tiện vận chuyển hành khách tại bến phà Tam Hải…
3. Sôi nổi Ngày hội “Học sinh 3 tốt”
Trong khuôn khổ chương trình “Tuổi trẻ Việt Nam - Rèn đức luyện tài, dẫn dắt tương lai”, tối qua 24/9, tại Quảng trường 24/3 (TP.Tam Kỳ), Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam tổ chức Ngày hội “Học sinh 3 tốt” khu vực miền Trung.
Tham dự có đồng chí Huỳnh Thị Thùy Dung - UV.BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận; đồng chí Lâm Tùng - Phó Trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam; đồng chí Phạm Thị Thanh - Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam và đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành tỉnh Quảng Nam.
Ngày hội diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi như cuộc thi tranh biện “Lead With Lof Scholar Cup”; các hoạt động hướng nghiệp; cuộc thi nhảy hiện đại “Lead With Lof Dance Festival"; các tiết mục văn nghệ của biệt đội Lof Malto…
Hoạt động có sự tham gia của các đội thi xuất sắc nhất khu vực đến từ 6 tỉnh thành Quảng Nam, Quảng Trị, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Đăk Lắk; các đội thi của các trường THPT trong tỉnh. Sự kiện thu hút gần 3.000 học sinh thuộc 6 trường THPT trên địa bàn TP.Tam Kỳ hưởng ứng và cổ vũ.  
Đồng chí Tùng nhấn mạnh: “Với tỷ lệ đoàn viên trong trường học chiếm gần 67% tổng số đoàn viên, Ban Thanh niên trường học một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai hiệu quả phong trào “Học sinh 3 tốt”.
Đây sẽ là tiền đề để các em học sinh tu dưỡng, rèn luyện toàn diện bản thân trong quá trình học tập tại các nhà trường, là việc chuẩn bị hiệu quả nguồn cán bộ đoàn, đoàn viên có chất lượng cao cho các bậc học cao hơn hoặc ở các địa bàn, lĩnh vực ngành nghề sau này”.
Tại ngày hội, ban tổ chức đã trao 15 suất học bổng cho 15 học sinh vượt khó trong học tập trên địa bàn tỉnh; trao giải cho các đội thi tham gia cuộc thi tranh biện “Lead With Lof Scholar Cup” và cuộc thi nhảy hiện đại “Lead With Lof Dance Festival". Cuối ngày hội là chương trình “Góc chill cùng Lof Malto” với nhiều tiết mục văn nghệ sôi động.
4. Tổng kết chương trình phối hợp giữa Tỉnh đoàn và Hội Cựu chiến binh tỉnh
Ngày 27.9, Tỉnh đoàn phối hợp Hội Cựu Chiến binh tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết chương trình phối hợp giai đoạn 2018-2023 và ký kết chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2023-2028 về tăng cường bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong giai đoạn 2018-2022, các cấp bộ Đoàn, Hội đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, nhiều mô hình hay mang lại giá trị cho cộng đồng, xã hội; thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng trong cán bộ, đoàn viên, hội viên, như: phối hợp tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho hơn 60.000 lượt thanh niên, giới thiệu việc làm cho hơn 15.000 hội viên, thanh niên, giải quyết việc làm cho 11.975 lao động; tuyên truyền, vận động trên 12.000 thanh niên lên đường nhập ngũ tổ chức 3.818 buổi học tập, sinh hoạt về Bác, có 99.116 lượt hội viên, đoàn viên thanh niên tham gia; trao tặng 65.282 suất quà; sửa chữa và làm mới 342 nhà bị hư hỏng, xuống cấp; trao tặng 181 sổ tiết kiệm với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng; sửa chữa, nâng cấp 28 công trình, di tích lịch sử tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng; trao tặng hơn 23.380 bộ quần áo các loại và trên 34.000 bộ sách và vở học sinh..
Ký kết chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2023-2028, Tỉnh đoàn và Hội CCB tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong CCB, ĐVTN. Tăng cường bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống yêu nước và ý thức cảnh giác cách mạng cho ĐVTN. Đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp; định hướng lối sống, hình thành nếp sống văn hóa cho thanh niên; đồng hành với thanh niên trong triển khai phong trào “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”; phối hợp xây dựng tổ chức, góp ý tham gia xây dựng Đảng và giám sát phản biện xã hội...
Dịp này, Tỉnh đoàn và Hội Cựu Chiến binh tỉnh trao bằng khen cho 10 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp giai đoạn 2018-2022 về tăng cường bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
II. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO BÁC
Học tập Bác điều quan trọng nhất là làm theo  gương Bác
Vẫn còn biết bao câu chuyện cảm động về Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Mỗi người hãy xác định suốt đời học tập và làm theo gương Bác để không ngừng tiến bộ, tránh được những khuyết điểm, sai lầm dù là nhỏ nhất. 
Nhắc đến hai tiếng Bác Hồ, ai trong chúng ta cũng thấy thân thương, trìu mến. Sinh thời, Người hằng quan tâm và dày công xây dựng Đảng thành một khối đoàn kết thống nhất, vững mạnh và trong sạch. Người luôn chăm lo giáo dục, đào tạo, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cả cuộc đời Người đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì tương lai, vận mệnh của đất nước, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Dù là lãnh tụ đứng đầu một đất nước nhưng Bác vẫn sống đạm bạc, giản dị, luôn vì dân, vì nước, không một chút tư riêng. Điều đó đã tạo nên một tấm gương bình dị mà cao quý, khiến mọi người muốn noi theo. Khi xuống cơ sở, đến với dân, Bác không bao giờ báo trước, để không bố trí đón rước linh đình. Bác đến thẳng nơi ăn nơi ở, trong bếp núc, nơi làm việc, nhà trẻ, chỗ vệ sinh, quan tâm thiết thực đến đời sống hằng ngày của mọi người. Các buổi lễ lớn, Người thường xuất hiện ở phía sau hội trường, thường không chỉ nghe báo cáo viết sẵn, trình bày một chiều mà bằng nhiều cách khác nhau. Người quan sát thực tiễn, hiểu rõ những điều cơ bản nhất, chân thật nhất của tình hình rồi mới đọc và nghe báo cáo. Bác tiết kiệm từng thứ nhỏ nhất trong nếp sống, công việc hằng ngày. Bác thường xuyên nhắc nhở mọi người quý trọng sức lao động, sử dụng tiết kiệm từ những vật dụng bé nhỏ như que diêm, sợi chỉ, mẩu bút chì… Bởi không chỉ vì nghèo mới tiết kiệm, mà tiết kiệm là đức tính truyền thống của dân tộc ta.  
Bước vào Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mỗi chúng ta đều thấy bản thân tiến bộ thêm, gắng sức sản xuất, công tác và làm việc tốt hơn để góp phần nhỏ bé của mình vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền của địa phương nơi mình cư trú, sống với nhau chân thành, học tập lẫn nhau, khắc phục những mặt còn yếu kém trong cuộc sống thường nhật.  
Nghiêm túc học tập theo tấm gương Bác là điều không dễ và làm theo Bác lại càng khó hơn. Nhưng nếu có tấm lòng trong sáng và có sự quyết tâm thì ai ai cũng đều có thể học và làm theo Bác. Cũng có người cho rằng bận công việc, ít có thời gian, điều kiện để làm được như Bác. Nói như vậy là chưa đúng. Dù bận việc nước, việc dân, Bác vẫn có thời gian chăm lo đến những việc nhỏ nhất, chan hòa tình thương đến mọi người, không sót một ai, từ cụ già đến các cháu thiếu nhi… Mọi người đều có thể học tập và làm theo Bác từ những việc hằng ngày, ở mọi lúc, mọi nơi, rất đỗi bình thường, giản dị. Chính sự bình thường giản dị ấy càng tôn thêm tầm vĩ đại của Bác. Đợt sơ kết đánh giá của Ban chỉ đạo Cuộc vận động TP. Hồ Chí Minh đã nhận định: “Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Thành phố đã mang lại nhiều kết quả: nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân, tăng cường các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống, ngăn chặn các tệ nạn xã hội… Thông qua Cuộc vận động đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc, điển hình trong lao động sản xuất và học tập… Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là việc gắn kết giữa “học tập” và “làm theo” chưa được chặt chẽ, nhiều nơi chỉ chú trọng việc nghiên cứu, học tập các chuyên đề của Cuộc vận động còn công việc triển khai làm theo tấm gương đạo đức của Bác thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan chưa quan tâm đúng mức. Do đó chuyển biến tuy có nhưng còn hạn chế: tập thể, cá nhân điển hình chưa nhiều, chưa sâu rộng trong quần chúng. Vẫn còn cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật… Những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thành viên ban chỉ đạo Cuộc vận động và các cấp ủy đảng trước hết phải là tấm gương sáng trong học tập, rèn luyện làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, cụ thể trong sinh hoạt, trong công việc, để các tầng lớp quần chúng noi theo. Qua đó, kịp thời ngăn chặn những suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, coi đó là giải pháp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm.  
Công cuộc đổi mới của đất nước đã đi chặng đường trên 35 năm đã làm nên những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử mang về cho đất nước những mùa hoa thơm, trái ngọt, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, đã và đang đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, vị thế uy tín của nước ta được nâng lên trên trường quốc tế. Tuy nhiên, nguy cơ và thách thức còn lớn, nguy cơ tham nhũng, quan liêu, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả người đứng đầu thoái hóa về đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị. Đất nước ta còn nghèo, rất cần phải tiết kiệm của cải vật chất để kiến thiết, xây dựng đất nước. Kẻ thù của tiết kiệm là lãng phí. Trong khi nhân dân đang nghiêm túc thực hành tiết kiệm chống lãng phí thời gian, tiền của thì hằng ngày vẫn xảy ra hiện tượng tiêu cực, lãng phí. Không ít cán bộ, quan chức ở nước ta đang hình thành thói quen “vung tay quá trán”, “xài tiền chùa”, biểu hiện rõ nhất là ở các dịp hội họp, đón nhận danh hiệu thi đua, khánh thành, khai trương, động thổ... Đáng quan tâm là lớp trẻ chưa có ý thức tiết kiệm. Việc giáo dục đức tính này cho lớp trẻ cần thực hiện kiên trì, thường xuyên. Cha mẹ hãy nêu gương và khuyên răn con cái tiết kiệm trong cuộc sống hằng ngày. Về phía nhà trường nên tăng cường bộ môn giáo dục công dân, trong đó coi trọng rèn rũa ý thức cần kiệm đối với học sinh. Cơ quan, đơn vị khi tiếp nhận cán bộ trẻ nên kiểm tra sát hạch về năng lực trình độ, đồng thời xem xét đến kiến thức thực hành tiết kiệm…  
Hơn nửa thế kỷ qua, Di chúc của Người để lại, còn nhiều điều Người ủy thác, mong muốn cho đất nước, nhân dân, chúng ta chưa làm được, chưa làm tròn. Bản Di chúc của Người vẫn còn mang tính thời sự cho hôm nay. Để thực hiện trọn vẹn những điều mong muốn của Bác Hồ. Thiết nghĩ: Các tổ chức đảng, đoàn thể và mỗi người phải thường xuyên nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, tăng cường xây dựng củng cố, chấp hành nghiêm các nguyên tắc chế độ sinh hoạt của Đảng, mỗi người chúng ta nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng thường xuyên học tập và làm theo tấm gương của Bác, trước mắt cũng như lâu dài, bền chí vững tâm đinh ninh lời hứa với Bác, để xứng đáng với niềm tin cậy và “muôn vàn tình thân yêu” của Bác Hồ.
Giờ đây, Bác đã đi xa, nhưng với dân tộc Việt Nam không lúc nào và không ở đâu thiếu vắng hình ảnh Bác. Người để lại “muôn vàn tình thương yêu” cho toàn dân. Người suốt đời “chỉ có ham muốn, ham muốn đến tột bậc là Tổ quốc ta được độc lập, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chỉ bấy nhiêu điều, đơn giản vậy thôi, ba chữ “độc lập - tự do - hạnh phúc” chứa đựng chung cả dân tộc và riêng cho mỗi người. Tuy nhiên, nhiều điều trong Di chúc của Bác, chúng ta đã thực hiện được, song cũng có những điều chúng ta chưa làm được, chưa phát triển được ngang tầm với yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức của người cán bộ, đảng viên chưa làm được như căn dặn và mong muốn của Người.
Mỗi khi chúng ta nhớ đến Bác, mỗi người chúng ta nhớ về Người, hãy làm theo những lời Người căn dặn trong Di chúc chính là chúng ta thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện thi đua yêu nước một cách sinh động và hiệu quả nhất. “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “Mỗi người tốt, việc tốt là những bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.
                                         “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn,
                                             Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
                                              Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn …”
                                                                         (Tố Hữu)                 
 
III. THEO DÒNG LỊCH SỬ
- Ngày 10/10: Ngày Chuyển đổi số quốc gia;  Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải Phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023)
- Ngày 13/10: Kỷ niệm 19 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2023)
- Ngày 14/10: Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930- 14/10/2023)
-  Ngày 15/10: Kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam (15/10/1956 - 15/10/2023); Kỷ niệm 93 năm công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2023)
- Ngày 20/10: Kỷ niệm 93 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2023)
* TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 67 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG HỘI LHTN VIỆT NAM (15/10/1956 -15/10/2023)
Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng, phấn đấu trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên Việt Nam yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng phấn đấu cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì hạnh phúc và sự tiến bộ của thanh niên.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương phải hình thành một mặt trận thanh niên rộng rãi và thống nhất do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Ban Thường vụ Trung ương Đảng chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh chuẩn bị hình thành mặt trận đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên lấy tên là Đoàn thanh niên Việt Nam. Tháng 6/1946, Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam - một tổ chức rộng rãi của mọi thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Cuối năm 1946, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới.
*  Giới thiệu chung
- Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên Việt Nam yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Hội LHTN Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. 
- Hội LHTN Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 
- Trải qua các thời kỳ hoạt động với những tên gọi khác nhau, Hội LHTN Việt Nam đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang: đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên đóng góp xứng đáng cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
- Bước vào thời kỳ mới, Hội LHTN Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, tài năng và sức trẻ của thanh niên, đoàn kết mọi thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, vì hạnh phúc và sự tiến bộ của tuổi trẻ.
- Hội LHTN Việt Nam đoàn kết, hợp tác với thanh niên, các tổ chức thanh niên trong khu vực và trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
* Tôn chỉ, mục đích của Hội
Hội LHTN Việt Nam có mục đích: Đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng phấn đấu cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
* Chức năng của Hội LHTN Việt Nam
- Tập hợp, đoàn kết, giáo dục mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam. Hướng dẫn và tạo điều kiện để hội viên hoàn thiện nhân cách, trở thành công dân tốt, cống hiến tài năng sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Đại diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên và tổ chức thành niên trước pháp luật và công luận.
* Nhiệm vụ của Hội LHTN Việt Nam
- Đoàn kết, tập hợp các lực lượng thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cống hiến tài năng, sức trẻ cho mục tiêu chung, khuyến khích hội viên và thanh niên tham gia tích cực vào hoạt động ích nước, lợi nhà, hướng thiện.
- Tổ chức các hoạt động thiết thực, góp phần giải quyết và đáp ứng những nhu cầu chính đáng của hội viên, thanh niên.
- Kêu gọi và kiến nghị kịp thời với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội cùng chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên và các tổ chức thành viên.
- Đoàn kết hợp tác với tổ chức thanh niên trong khu vực và trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội vì cuộc sống văn minh, hạnh phúc của tuổi trẻ.
- Thường xuyên chăm lo xây dựng Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, tích cực tham gia xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
*  Cơ cấu tổ chức của Hội LHTN Việt Nam
a. Hệ thống Ủy ban Hội các cấp:
- Hội LHTN Việt Nam được thành lập:
+ Cấp Trung ương.
+ Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương
+ Cấp quận, huyện, thị xã thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
+ Cấp xã, phường, thị trấn và tương đương.
Hiện nay 63/63 tỉnh, thành phố đã có Ủy ban Hội và Hội LHTN Việt Nam Tập Đoàn Sông Đà trực thuộc Trung ương Hội LHTN Việt Nam và có mạng lưới chi Hội, Câu lạc bộ, Tổ, Đội, Nhóm thanh niên ở cơ sở.
b. Các tổ chức thành viên tập thể của Hội LHTN Việt Nam:
- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
- Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam
- Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam
- Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam
- Ban vận động thành lập Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam
- Ban vận động thành lập Hội Công nghệ và Tin học trẻ Việt Nam
- Ban vận động thành lập Hội Xây dựng trẻ Việt Nam
- Ban vận động thành lập Hội Tài chính Ngân hàng trẻ Việt Nam
c. Các đơn vị trực thuộc Hội LHTN Việt Nam:
- Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên
- Trung tâm tư vấn tình yêu hôn nhân và gia đình
- Trung tâm giáo dục vị thành niên
- Trung tâm Dạy nghề thanh niên
- Báo thanh niên
- Hãng phim thanh niên
- Cổng tri thức Thánh Gióng (www.thanhgiong.vn)
CÁC MỐC SON LỊCH SỬ
Các kỳ Đại hội và Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam trong các nhiệm kỳ
* Tháng 6/1946, Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam - là tổ chức rộng rãi của mọi thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Cuối năm 1946 Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới.
* Tháng 02/1950, Liên đoàn thanh niên Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ I tại căn cứ địa Việt Bắc trong khói lửa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển quan trọng trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên với vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh (nguyên là Uỷ viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam.
* Ngày 08/10/1956, Trung ương Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và Ban vận động mặt trận thống nhất thanh niên tổ chức Đại hội tại Nhà hát lớn – Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã thống nhất các tổ chức thanh niên Việt Nam với tên gọi chung là Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam. Huấn thị tại Đại hội, Bác Hồ căn dặn: “Là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn, thi đua giúp sức vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, để mình làm chủ mai sau”. Bác sỹ - Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch được bầu làm Chủ tịch Hội.
* Tháng 12/1961, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Giáo sư Phạm Huy Thông được bầu làm Chủ tịch.
* Ngày 08/12/1994, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ III được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với 400 đại biểu chính thức. Đại hội đã thông qua Điều lệ mới, hiệp thương chọn cử anh Hồ Đức Việt, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội và quyết định lấy ngày 15/10/1956 là ngày truyền thống hàng năm của Hội LHTN Việt Nam.
* Từ ngày 13-15/01/2000, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với 599 đại biểu. Đại hội hiệp thương chọn cử chị Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam. 
- Tháng 02/2003, anh Hoàng Bình Quân, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn được bầu làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay chị Trương Thị Mai nhận nhiệm vụ mới.
- Ngày 25-27/02/2005, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ V đã diễn ra trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với 798 đại biểu. Bí thư Trung ương Đoàn Nông Quốc Tuấn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam. 
- Tháng 02/2008, anh Võ Văn Thưởng, Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã được bầu làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay anh Nông Quốc Tuấn nhận nhiệm vụ mới.
* Đại hội VI diễn ra trong 02 ngày 26-27/4/2010 tại Hà Nội với 995 đại biểu. Anh Nguyễn Phước Lộc, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam khóa V được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VI.
- Tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam lần thứ 7, khóa VI, anh Phan Văn Mãi, Bí thư thường trực Ban chấp hành Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VI thay anh Nguyễn Phước Lộc được điều động, phân công nhận nhiệm vụ mới.
- Tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam lần thứ 10, khóa VI, anh Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VI thay anh Phan Văn Mãi được điều động, phân công nhận nhiệm vụ mới.
* Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2014 - 2019 diễn ra từ ngày 27 đến ngày 29 tháng 12 năm 2014 tại Thủ đô Hà Nội với 800 đại biểu chính thức là những cán bộ Hội, hội viên xuất sắc và cá nhân tiêu biểu trong và ngoài nước, đại diện cho khối đại đoàn kết các tầng lớp thanh niên của 54 dân tộc Việt Nam. Đại hội đã hiệp thương chọn cử anh Nguyễn Phi Long, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa VI được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2014 – 2019.
- Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam lần thứ VIII đã hiệp thương chọn cử anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024.
- Tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam lần thứ 5, khóa VIII, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2019 – 2024 thay anh Nguyễn Anh Tuấn được điều động, phân công nhận nhiệm vụ mới.
IV. VĂN BẢN MỚI
1. Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Nghị định 62/2023/NĐ-CP ngày 18/8/2023 của Chính phủ bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hiệu lực từ ngày 05/10/2023
Cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức, chỉ đạo hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày 11/11/2019 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng ở nơi có cảng hàng không, sân bay và các công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng theo quy định của Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về an ninh hàng không.
2. Bãi bỏ 10 Thông tư về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức
Có hiệu lực từ 01/10/2023, Thông tư 12/2023/TT-BNV của Bộ Nội vụ bãi bỏ 10 Thông tư do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. 
Trong đó bãi bỏ các Thông tư: Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.
Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.
Thông tư số 04/2015/TT-BNV ngày 31/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức...
3. Từ ngày 16/10/2023, tăng 20% một số mức thu phí trong lĩnh vực y tế
Theo Thông tư số 59/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 16/10/2023, người nộp phí trong lĩnh vực y tế là tổ chức, cá nhân được cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các công việc thẩm định, gồm: thẩm định cấp tiếp nhận, nhập khẩu, xuất khẩu, xác nhận trong lĩnh vực chế phẩm diệt côn trùng diệt khuẩn trong gia dụng và y tế; thẩm định cấp giấy phép lưu hành, nhập khẩu, xuất khẩu, công bố trang thiết bị y tế; thẩm định hoạt động, tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề thuộc lĩnh vực y tế.
Tổ chức thu phí là Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao thực hiện các công việc thu phí và sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các công việc thu phí.
Từ ngày 16/10/2023, tăng 20% một số mức thu phí trong lĩnh vực y tế.
Cụ thể như sau: Mức thu phí thẩm định cấp mới số lưu hành trang thiết bị loại C, D: tăng từ 5 triệu đồng lên 6 triệu đồng/hồ sơ.
Mức thu phí thẩm định cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Khám bệnh, chữa bệnh: tăng từ 360.000 đồng/lần lên 430.000 đồng/lần…
4. Người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tối đa 100 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh
Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 18/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có hiệu lực từ ngày 10/10/2023.
Về mức vốn cho vay, Quyết định quy định đối với vay vốn để đào tạo nghề: Mức vốn cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù.
Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù. Với cơ sở sản xuất kinh doanh: Mức vốn cho vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Từ 22/10, miễn lệ phí đăng ký, cấp biển số xe mô tô ba bánh chuyên dùng cho người khuyết tật
Theo Thông tư 60/2023/TT-BTC ngày 7/9/2023 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực từ ngày 22/10/2023, miễn lệ phí đăng ký, cấp biển số với xe mô tô ba bánh chuyên dùng cho người khuyết tật.  
BIÊN TẬP BAN TỔ CHỨC – KIỂM TRA TỈNH ĐOÀN

Nguồn tin: Huyện đoàn- Hội LHTN Việt Nam huyện Nông Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bản quyền 2012 thuộc về Huyện đoàn Nông Sơn - Chịu trách nhiệm nội dung: BTV Huyện đoàn
Địa chỉ: Trung Hạ - Quế Trung - Nông Sơn - Quảng Nam | Tel: 02353.656970 | Email: huyendoannongson@gmail.com
Design by Mr.Lưu | 0905.914411 | 
Thiet ke Website Quang Nam
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây