Huyện đoàn Nông sơn - tỉnh Quảng Nam

Những điều cần biết về Luật Thanh niên 2020 (tiếp theo)

Thứ tư - 11/01/2023 15:02
Những điều cần biết về Luật Thanh niên 2020 (tiếp theo)
Quan điểm, mục tiêu của Luật Thanh niên 2020
Thanh niên là một lực lượng xã hội to lớn, nhằm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển và phát huy vai trò xung kích, tình nguyện trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ năm 2005 Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật Thanh niên với tư cách là văn bản luật chuyên biệt, quy định các vấn đề liên quan đến thanh niên, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển thanh niên.
Hiến pháp năm 2013 quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của thanh niên Việt Nam: “Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân; đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”([1]). Việc quy định như vậy cho thấy Nhà nước rất coi trọng vai trò xung kích, đi đầu của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nguyên tắc hiến định, có ý nghĩa nền tảng để các cơ quan có thẩm quyền xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên.
Qua gần 15 năm thi hành Luật Thanh niên năm 2005 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhiều quy định chung chung, chưa tạo điều kiện mạnh mẽ cho thanh niên phát triển; chưa có các chế tài để bảo đảm thực hiện luật; quyền và nghĩa vụ của thanh niên chưa cụ thể, rõ ràng... Đặc biệt, Luật chỉ tập trung vào quy định kêu gọi và khuyến khích trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội, mà không  đề cập đến trách nhiệm, bổn phận của thanh niên đối với bản thân mình, đối với quốc gia, dân tộc....
Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá" đã đề ra nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật thanh niên năm 2005. Vi vậy, xuất phát từ thực trạng của pháp luật về thanh niên và yêu cầu, bối cảnh chung hiện nay, việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 không chỉ dừng ở các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên và trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh niên, mà còn phải quy định rõ trách nhiệm của thanh niên đối với bản thân mình qua sự tu dưỡng, rèn luyện và học tập, trách nhiệm của thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, trách nhiệm của thanh niên đối với gia đình, xã hội và Tổ quốc. Bên cạnh đó, cần xác định rõ vị trí và vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (là tổ chức nòng cốt) và các tổ chức thanh niên khác trong sự nghiệp phát triển thanh niên. Cụ thể như sau:
1. Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về thanh niên và công tác thanh niên cũng như các quy định của Đảng và Nhà nước về xây dựng pháp luật.
2. Thể hiện đầy đủ các quy định của Hiến pháp 2013 và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành; quy định rõ trách nhiệm của thanh niên đối với sự tu dưỡng, rèn luyện và học tập, lập thân, lập nghiệp, đối với gia đình, xã hội và Tổ quốc.
3. Kế thừa các quy định của Luật Thanh niên 2005 còn phù hợp với điều kiện hiện nay; bổ sung, sửa đổi các quy định khác cho phù hợp với bối cảnh, đặc điểm yêu cầu và xu hướng phát triển thanh niên hiện nay.
4. Bảo đảm phù hợp với xu thế quản lý và hoạt động của thanh niên trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa; Tham khảo thêm kinh nghiệm cũng như xu hướng trong xây dựng các chính sách về thanh niên ở các nước trên thế giới.

Nguồn tin: Huyện đoàn- Hội LHTN Việt Nam huyện Nông Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bản quyền 2012 thuộc về Huyện đoàn Nông Sơn - Chịu trách nhiệm nội dung: BTV Huyện đoàn
Địa chỉ: Trung Hạ - Quế Trung - Nông Sơn - Quảng Nam | Tel: 02353.656970 | Email: huyendoannongson@gmail.com
Design by Mr.Lưu | 0905.914411 | 
Thiet ke Website Quang Nam
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây