Từ trung tâm hành chính huyện Nông Sơn (xã Quế Trung) đi về hướng Đông Bắc theo đường ĐT611 khoảng 4 km đến Nghĩa trang liệt sĩ xã Sơn Viên rẽ trái theo đường bê tông chạy thẳng khoảng 2km tới nhà ông Trần Đình Lại, từ đây theo đường đất bên trái vào khoảng 500 m là đến hang Hố Lù.
Hang Hố Lù thuộc địa bàn thôn Trung Yên, xã Sơn Viên (xã Sơn Viên được tách ra từ xã Quế Lộc năm 2008 theo Nghị định số: 42/2008/NĐ-CP, ngày 08/4/2008 của Chính phủ); nằm trong quần thể đá núi xếp tầng thuộc núi Hòn Vung. Nơi đây có những dấu ấn lịch sử còn mãi lưu truyền trong dân gian như: “Cây núi Chúa - Lúa Nà Bình - Đình Trung Yên”. Hố Lù là nơi làng Trung Yên cưu mang đùm bọc nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng trong thời kỳ bí mật như các đồng chí Trần Huấn, Cao Hồng Sanh, Ngô Châu Hoàng, Hà Đông, …
Cuối năm 1956 đầu năm 1957, tại Quế Lộc, địch ngày càng gia tăng đàn áp, truy lùng, khủng bố, thực hiện phương châm “tát nước, bắt cá”, “giết lầm hơn bỏ sót”, Ngày 09-5-1959, Ngô Đình Diệm ban hành luật số 10/1959 (lê máy chém đi khắp miền nam). Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Trung ương họp và xác định nhiệm vụ của cách mạng miền Nam theo Nghị quyết 15 là: “Giải phóng miền Nam thoát khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Nghị quyết 15 của Trung ương như luồn gió mới thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Nhân dân vững tin vào Đảng, vào cách mạng, bằng nhiều phương thức rất mưu trí và khôn khéo, các cơ sở quần chúng vẫn tìm mọi cách bí mật mang lương thực, thực phẩm lên Động Ván, xai Ồ Ồ, Hố Lù... để tiếp tế cho cán bộ ta. Nhiều gia đình bất chấp nguy hiểm như gia đình ông Lý Xầm (Lộc Đông), Võ Dương (xóm Nước Nóng), Đồng Văn Hoán (xóm Hố Lù), bà Sâm, ông Hai Hoan (xóm Vú)... tự nguyện làm nơi tập kết, và hội họp.
Để trực tiếp chỉ đạo phong trào của hai huyện Quế Sơn và Duy Xuyên, đầu tháng 3 năm 1960 đồng chí Trần Huấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy cùng một số cán bộ huyện (đồng chí Hà Đông, Huyện ủy viên; Nguyễn Đối (xã Quế An), Nguyễn Đối (xã Quế Hiệp) từ thôn Cà Nân, xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn mở đường về Quế Lộc.
Đồng chí Trần Huấn, còn gọi là anh Ba, sinh năm 1917 tại làng Lộc Trung, xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn (nay là huyện Nông Sơn). Tham gia cách mạng từ tháng 8 năm 1945. Được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 25/11/1945 (ngày ra đời của Đảng bộ Quế Lộc). Sau đó, đồng chí được điều về làm Ủy viên Ban Tuyên truyền Huyện ủy Quế Sơn. Tại Đại hội Đảng bộ huyện Quế Sơn lần thứ III, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Tại Đại hội IV, đồng chí được bầu làm Bí thư Huyện ủy Quế Sơn. Đầu năm 1950, đồng chí được Tỉnh ủy điều về Ban Chỉ huy tỉnh đội Quảng Nam, phụ trách công tác tuyên truyền. Đến đầu năm 1953, đồng chí được tỉnh tăng cường về huyện công tác. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, đồng chí lại được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Đến đầu năm 1954, đồng chí được điều về tỉnh để tham gia đốc chiến các cuộc tiến công trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (20/7/1954), đồng chí được phân công ở lại hoạt động ở vùng Cẩm Khê, Tam Anh (Tam Kỳ). Đến tháng 8 năm 1955, đồng chí được Tỉnh ủy điều về bổ sung vào Huyện ủy Quế Sơn và được phân công phụ trách hai xã Quế Lộc và Quế Phước. Tháng 8 năm 1958, sau khi đồng chí Ngô Tuận - Bí thư Huyện ủy Quế Sơn hi sinh, đồng chí Trần Huấn được cử làm Bí thư Huyện ủy. Cũng trong thời gian này, đồng chí Trần Huấn và đồng chí Hoàng Thành Lê được Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ định tham gia Ban Cán sự cánh trung (gồm các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình). Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ IV (tháng 01/1960), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, phụ trách liên Huyện ủy Duy Xuyên - Quế Sơn, trực tiếp làm Bí thư Huyện ủy Quế Sơn.
Đầu tháng 3 năm 1960, khi về đến Quế Lộc, đồng chí Trần Huấn và các đồng chí trong Huyện ủy Quế Sơn chọn hang Hố Lù (làng Trung Yên, xã Sơn Thọ) để làm chỗ đứng chân của Huyện ủy. Sau đó Huyện ủy phân công đồng chí Hà Đông và Nguyễn Đối (Quế Hiệp) xuống vùng Lộc Đại, Nghi Sơn (xã Quế Hiệp) để móc nối cơ sở, đồng thời chỉ đạo phong trào ở vùng Trung và Đông Quế Sơn. Đến Quế Hiệp, một mình trên núi Lộc Đại (lúc này đồng chí Hà Đông soi đường xuống vùng Đông), Nguyễn Đối đã dao động tư tưởng, sau đó ra hàng địch vào ngày 16 tháng 6 năm 1960.
Theo lời khai và sự chỉ dẫn của tên phải bội Nguyễn Đối, ngày 18-6-1960, đích thân quận trưởng Quế Sơn là Nguyễn Lê Thọ chỉ huy lực lượng lên ấp Thọ An, xã Sơn Thọ bao vây điểm đứng chân của Huyện ủy Quế Sơn tại hang Hố Lù, với mục tiêu là bắt sống các đồng chí Trần Huấn - Bí thư Huyện ủy và đồng chí Nguyễn Đối (Quế An). Địch huy động một lực lượng lớn gồm 01 đại đội lính bảo an cùng hàng trăm tên cảnh sát, cán bộ xây dựng dân vệ, nhân dân tự vệ đoàn, thanh niên diệt cộng 3 xã Sơn Phúc, Sơn Thọ, Sơn Khương. Khắp các ngả đường chung quanh hang đá Hố Lù đều dày đặc lực lượng của địch.
Biết rơi vào vòng vây của địch, hai đồng chí bật ra khỏi hang đá hô to “quyết một sống một chết” rồi dùng súng ngắn bắn trả quyết liệt vào đội hình đích làm bị thương 2 tên. Trên đường thoát khỏi vòng vây, không may đồng chí Nguyễn Đối chạy trước, bị tên Phan Sắt (hội viên cảnh sát xã Sơn Khương), Hồ Cống (Hội viên cảnh sát xã Sơn Phúc) và Nguyễn Đức Tùng (dân vệ)... truy đuổi và bắn bị thương ở chân. Lúc này để giải cứu đồng chí Nguyễn Đối, đồng chí Trần Huấn nấp ở bụi cây rậm gần đó liền giương súng bắn làm tên Phan Sắt bị thương nặng ở bụng. Khi tên Phan Sắt bị thương, bọn địch liền giản đội hình, lùi về phía sau và tên quận trưởng ra lệnh ngưng nổ súng vì sợ đạn lệch trúng nhầm nhau. Lợi dụng lúc này đồng chí Trần Huấn bò sâu vào trong hang, đồng chí Nguyễn Đối chạy về hướng khác để thu hút sự chú ý của địch nhưng lại gặp một toán địch khác phục sẵn ở đây bắt sống vào lúc 10 giờ khi cả hai khẩu súng ngắn của đồng chí không còn viên đạn nào. Sau đó chúng tiếp tục tổ chức vây bắt đồng chí Trần Huấn, đến 13 giờ cùng ngày phát hiện đồng chí nằm trong một khe đá, 2 tên Cao Liên (nhân dân tự vệ đoàn xã Sơn Khương) và Lê Ngoạn (cán bộ xây dựng) liền xông vào bắn chết đồng chí Trần Huấn. Còn đồng chí Nguyễn Đối kiên quyết không khai bị địch tra tấn dã man, một thời gian ngắn rồi hi sinh tại nhà lao địch ở Quế Sơn.
Sau khi sát hại đồng chí Trần Huấn, địch cho ông Trần Rân (anh trai đồng chí Trần Huấn) đem thân mình về an táng tại khu vực chợ Thơm, còn đầu đồng chí thì địch đem đi bêu tại chợ Trung Phước (Quế Trung), chợ Đông Phú... để khủng bố tinh thần cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Sau đó chúng giao cho người lính ngụy chôn dưới suối Cầu Dài với dã tâm làm cho đồng chí chết không toàn thây. Chôn xong người lính ngụy này bí mật báo cho cụ Trần Rân để đem về chôn chung với thân hình đồng chí. Trong điều kiện bị địch theo dõi rất gắt gao, cụ Trần Rân cảnh giác hỏi tên người lính này nhưng ông ta sợ bị liên lụy nên chỉ nói: “Tôi là lính ngụy nhưng rất khâm phục sự hy sinh anh dũng của ông Trần Huấn nên muốn ông ấy chết toàn thây mà thôi. Do đó việc tôi nói là sự thật, ông (tức cụ Trần Rân) cứ đến chỗ tôi chỉ mà đem thủ cấp về chôn chung với mình ông ấy, còn tôi xin được giấu tên”. Đồng chí Trần Huấn được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân. Nhà lưu niệm đồng chí được xây dựng tại chợ Thơm, xã Quế Lộc.
Hiện nay, di tích hang Hố Lù được xã Sơn Viên quan tâm. Trong những năm qua, địa phương quán triệt không cho hộ dân lân cận trồng keo xâm lấn gần di tích. Ngày 08 tháng 5 năm 2019, hang Hố Lù được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.