Kỷ niệm 93 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024) và 94 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (28/3/1930-28/3/2023), Huyện đoàn Nông Sơn tổ chức chương trình Hành trình về địa chỉ đỏ năm 2024 với sự tham gia của hơn 70 đoàn viên thanh niên.
Tại chương trình, Huyện đoàn - Hội LHTN Việt Nam huyện tổ chức dọn vệ sinh tại đình làng Đông An, trao bản đồ Việt Nam hưởng ứng cuộc vận động Tự hào một dải non sông.
Cùng với Ban Tuyên giáo Huyện ủy ra mắt mã QR-code Đình làng thôn Đông An, nơi chốt điểm cắm cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngày 27 tháng 01 năm 1973.
Cuối năm 1972 trên chiến trường đánh Mỹ - ngụy thắng lợi dồn dả cả ba mặt chính trị, quân sự, ngoại giao cho thấy trên Hội đàm tại Pari (Pháp) có thể đi đến ký kết được.
Tuy vậy địch vẫn ngoan cố, hiếu chiến. Ở miền Bắc chúng đưa B52 đánh vào Hà Nội, trái tim của tổ quốc, biến Hà Nội trở lại thời kì đồ đá, đồng thời chúng cho B52 dội bom xuống thành phố Hải Phòng nhưng chỉ trong 12 ngày đêm chiến đấu quân và dân Hà Nội, Hải Phòng bắn rơi hàng loạt pháo đài B52 buộc địch phải xuống thang chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ở miền Nam địch còn ráo riết thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh” đôn quân, bắt lính, giành dân lấn chiếm vào vùng giải phóng, thực hiện âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” đẩy lực lượng cách mạng ra xa dân.
Ở khu vực vùng Tây Quế Sơn, chúng cho quân ngụy đánh sâu vào các thôn xã Sơn Ninh, càn quét Khương Nam, xã Sơn Khương, chốt giữ đồi tranh, cấm ông Non thôn 4 xã Sơn Viên. Ở Sơn Phước có 1 đại đội ngụy đổ quân xuống Cẩm La và càn ra chốt giữ Dùi Chiêng.
Trong vùng chúng tạm kiểm soát, chúng buộc dân sơn cờ 3 que trên nóc nhà, treo cờ trước nhà, thậm chí chúng còn bắt từng người dân sơn cờ trên nón để nói rằng ở đó là vùng chúng kiểm soát, dân chúng kiểm soát.
Chủ trương của ta, Tỉnh ủy Quảng Nam điều động hàng trăm cán bộ từ các cơ quan ban ngành của tỉnh có cả 20 cán bộ Ban cán sự Nam Trà (miền núi Quảng Nam) tăng cường cho cơ sở, bám sát địa bàn, vừa phối hợp với lực lượng vũ trang và đội công tác địa phương vừa đánh địch càn quét, lấn chiếm, vừa tuyên truyền cho nhân dân đón nhận sự kiện lịch sử trọng đại ký kết Hiệp định Pari tại hội nghị 4 bên chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Kiên quyết đấu tranh giữ vững vùng giải phóng với quyết tâm “Một tất không đi, một ly không rời” bám đất giữ làng. Nơi nào có điều kiện thì thọc sâu vào vùng địch kiểm soát để cắm cờ chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trước thời khắc lịch sử hiệp định Pari được ký kết.
Đoàn cán bộ của tỉnh và huyện được phân công ở các xã vùng Tây Quế Sơn nóng lòng chờ mệnh lệnh của cấp trên, suốt buổi sáng ngày 26 tháng 1 tại xã Sơn Viên để chia đi các mũi và sẵn sàng vào vùng địch khi Hiệp định có hiệu lực. Tâm lý của cán bộ khi đó là tin vào Hiệp định 4 bên ký kết có hiệu lực, nhưng tình hình thực tế trên chiến trường Nông Sơn rất căng thẳng, địch tung quân đánh mạnh, đánh sâu vào vùng ta, khả năng địch phá hoại Hiệp định đã thấy rõ.
Đoàn cán bộ ở trên về phát mệnh lệnh bằng miệng, các đồng chí nói gọn. Tôi là người nhận mệnh lệnh đi xa nhất, cắm cờ Đình Đông An xã Quế Phước. Trong chiến tranh có thói quen khi được phân công nhiệm vụ lên đường ngay không ngại khó khăn.
Đồng chí Đỗ Tấn Hùng kể: Từ xã Sơn Viên đã 11 giờ trưa, tôi mang ba lô đi một mạch qua rừng dầu Quế Ninh xuống khe 9 khúc lên đến bến đò Đá Ngang gặp đồng chí Trần Minh Phi (Bí thư xã Sơn Phước) chờ sẵng, ăn vội vàng gô cơm anh Phi nấu. Hai anh em đi dọc bờ sông xuống đến Phú Gia đã gần 9 giờ đêm. Tôi nghĩ nếu với tiến độ đi như vậy sợ không kịp giờ G cắm cờ nên tôi hỏi anh Phi ở đây có ai có ghe chở người đưa dọc sông xuống Đông An không. Anh Phi bảo có và cho mời ông Tám Hóa người có chiếc ghe nan đưa hai anh em xuống Đông An. Tại đây 2 đồng chí Hồ Minh Đức và Nguyễn Quốc Dũng bám địch đang ngồi chờ và chuẩn bị sẵn dụng cụ cắm cờ.
Khi nhận mệnh lệnh cấp trên có thông tin pháo binh của ta sẽ bắn vào cứ điểm Nông Sơn để tiêu diệt sinh lực địch trước giờ G ký hiệp định. Cứ điểm Nông Sơn bị pháo của ta bắn dồn dập địch tổn thất nặng, chúng la ó, còn đại đội ngụy ở Dùi Chiêng vẫn giữ nguyên đến sáng ngày hôm sau chúng mới di chuyển dọc bờ sông về Nông Sơn.
Tổ công tác còn nằm bám giữ điểm cắm cờ với 4 người nhưng chỉ có 2 khẩu AK, 2 súng ngắn, cho thấy sự bất lợi của ta. Lúc này phía trong Khánh Bình có Tổ công tác đồng chí Trương Thành Duyên nổ súng chi viện cho điểm cắm cờ. Hỏa lực của địch lại tập trung về hướng nổ súng của ta. Thấy tình hình mỗi lúc một căng thẳng, chỉ còn một cách gài lựu đạn dưới trụ cờ và tìm cách rút lui, nhưng đường về Phú Gia lại trơ trọi chỉ còn lại những cây bói lúp xúp bước ra khỏi bờ tường dễ bị phát hiện, dễ bị tổn thương nhưng nhờ là thời điểm giao mùa, cuối đông sang xuân sương mù từ cao ập xuống dày đặt phủ kín cả làng Đông An, anh em lợi dụng địa hình rút lui an toàn.
Sáng ra ở cứ điểm Nông Sơn và cả toán lính đi bên kia bờ sông thấy cờ giải phóng tung bay trên đình làng Đông An, chúng hốt hoảng dùng hỏa lực mạnh có cả đại liên và pháo105 ly bắn xối xả vào điểm cắm cờ của ta, mãi đến trưa ngày 27/01 chúng cho quân tràn sang mới cướp được cờ.
Có thể nói ở đình Đông An là nơi địch rất chủ quan, là vùng do chúng kiểm soát không bao giờ nghĩ tới việc ta có thể vào chốt điểm cắm cờ được. Vì phía bên kia bờ sông là đại đội ngụy chốt giữ Dùi Chiêng, trước mặt Đông An là cứ điểm Nông Sơn có cả tiểu đoàn 78 ngụy án ngữ. Liền kề với Đông An là ấp chiến lược Khánh Bình có lính ở ngày đêm. Phía sau lưng là núi Cà Tang với độ cao 452m luôn có một trung đội địch từ Nông Sơn thay nhau chốt giữ quan sát được từ Tý, Sé, Dùi Chiêng dọc theo sông đến tận Phường Rạnh Khương Quế (xã Sơn Khương) không một bóng người nào chúng không phát hiện được.
Nắm được yếu tố “bí mật, bất ngờ”, tổ công tác của ta vào chiếm giữ Đình Đông An. Tại đây có lợi thế sau trận lụt lịch sử kinh hoàng năm GiápThìn 1964 ngôi đình đã bị cuốn trôi chỉ còn lãi những bờ tường, lực lượng ta vào đây không phải đào công sự, là nơi thuận lợi để ta chọn điểm cắm cờ.
Tư tưởng chỉ đạo của cấp trên khi vào chiếm giữ Đông An là điểm dừng chân tạm thời để chờ đúng giờ G khi hiệp định ký kết có hiệu lực thì các mũi tiến vào ấp chiến lược Khánh Bình (Sơn Ninh), ấp chiến lược Trung Phước và gặp nhau ở Sơn Khương làm nhiệm vụ tuyên truyền thắng lợi của Hiệp định, thế nhưng trời càng sáng súng địch càng nổ to, chiến sự diễn ra càng ác liệt. Chúng ta còn nhớ hiệp định Pari ký chưa ráo mực, với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu dựa vào viện trợ của Mỹ và cố vấn Mỹ, chúng ngang nhiên tuyên bố phá hoại hiệp định Pari với thuyết 4 không: “Không có hòa bình, không có ngừng bắn, không có giải pháp chính trị, không có tổng tuyển cử” và cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn mới quyết liệt trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” tiếp tục đôn quân, bắt lính, xua quân đi càn quét, đánh phá vào vùng giải phóng. Máu của đồng bào chiến sỹ tại lại tiếp tục đỗ.
Sự tồn tại của lá cờ chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nơi mảnh đất đầu nguồn sông Thu Bồn tuy không lâu nhưng nó khẳng định sự tồn tại của lực lượng cách mạng, sự tồn tại vùng đất cách mạng ở ngay trong địa bàn địch kiểm soát. Đặc biệt ngọn cờ ấy đã hiệu triệu được tinh thần yêu nước, lòng quyết tâm của một vùng quê giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, kiên quyết trụ bám trong tàn khốc bom đạn “một tấc không đi, một ly không rời” cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng. Các đồng chí Đỗ Tấn Hùng, Trần Minh Phi, Nguyễn Quốc Dũng, Hồ Minh Đức là nhân chứng sống, những người đi làm nhiệm vụ lịch sử quang vinh ấy. Bia di tích tại Đình Đông An ghi lại thời khắc lịch sử nơi chốt điểm cắm cờ đúng thời điểm hiệp nghị 4 bên được ký kết tại Pari (Pháp) năm 1973 chấp dứt chiến trang lập lại hòa bình ở Việt Nam. Một di tích lịch sử đấu tranh cách mạng rất đỗi tự hào trên quê hương Nông Sơn.