Huyện đoàn Nông sơn - tỉnh Quảng Nam

http://huyendoannongson.vn


TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN - CHI HỘI THÁNG 4-2023

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN - CHI HỘI THÁNG 4-2023
sach

I. TIN TỨC, SỰ KIỆN
1. Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 92 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2023)
Nhằm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong mỗi cán bộ, ĐVTN, với tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ, Tháng Thanh niên năm 2023 ĐVTN tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2023) và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp.
* Huyện đoàn Hiệp Đức tổ chức Chương trình “Sức trẻ ngày mới”; tổng kết các phong trào, cuộc thi do Đoàn phát động; tuyên dương gương thanh niên tiên tiến học tập, làm theo lời Bác; Liên hoan các CLB, đội, nhóm, nhảy trên địa bàn huyện. 
* Cao đẳng Quảng Nam tổ chức Giải bóng đá Học sinh - Sinh viên năm 2023.
* Huyện đoàn - Hội LHTN Việt Nam huyện Thăng Bình tổ chức ngày hội thanh niên với chủ đề “Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên”.
* Thành đoàn Hội An tuyên dương 15 gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác; trao giải cuộc thi thiết kế infographic tuyên truyền nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp nhiệm kỳ 2022 - 2027. Đồng thời tổ chức hội trại “Sắc màu tuổi trẻ” và tọa đàm “Con đường khởi nghiệp”.
* Huyện đoàn - Hội LHTN Việt Nam huyện Đại Lộc tổ chức chương trình “Không gian âm nhạc thanh niên - Âm nhạc đường phố”.
* Thị đoàn Điện Bàn phối hợp Hội Cựu chiến binh Thị xã, Đồn Biên phòng Cửa Đại tổ chức chương trình “Đồng hành với chiến sĩ biên cương”.
2. Chương trình "Ngày đoàn viên" năm 2023
Chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2023), sáng ngày 26/3, Tỉnh đoàn tổ chức chương trình “Ngày Đoàn viên” năm 2023 tại xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ).

“Ngày Đoàn viên” là một trong những chương trình quan trọng trong Tháng thanh niên năm 2023 được Tỉnh đoàn chỉ đạo tổ chức đồng loạt trong toàn tỉnh nhằm thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn đối với đoàn viên; tạo môi trường thuận lợi để đoàn viên đang lao động, công tác, sinh sống ở các khu vực chưa
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, 100% huyện, thị, thành đoàn tổ chức Ngày đoàn viên năm 2023 với các hoạt động như: Sinh hoạt ôn lại truyền thống 92 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; tổ chức cuộc thi, gameshow tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp; tặng quà cho đoàn viên, thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các trò chơi vận động; tư vấn sức khỏe cho đoàn viên, thanh niên công nhân;... Đặc biệt, tại Ngày hội, các cấp bộ Đoàn trên toàn tỉnh đã vận động thành lập và ra mắt 09 tổ chức Đoàn - Hội - Câu lạc bộ ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, khu nhà trọ.
Link bài viết: https://tinhdoanqnam.vn/news/3-phong-trao/chuong-trinh-ngay-doan-vien-nam-2023-4760.html
3. Chương trình “Nghị quyết Đại hội Đoàn -Trách nhiệm của tuổi trẻ”
Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2023), Tỉnh đoàn tổ chức chương trình “Nghị quyết Đại hội Đoàn - Trách nhiệm của tuổi trẻ”.
Tại chương trình, cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên được nghe các nội dung liên quan đến Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2022-2027 thông qua nghệ thuật hô hát bài chòi với chủ đề “Nghị quyết Đại hội Đoàn - Trách nhiệm của tuổi trẻ”.
Bên cạnh đó, các cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên còn được xem phóng sự Nghị quyết Đại hội Đoàn; giao lưu, trả lời câu hỏi xoay quanh nội dung cốt lõi cơ bản của Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XIX.
Link bài viết: https://tinhdoanqnam.vn/news/xay-dung-doan/chuong-trinh-nghi-quyet-dai-hoi-doan-trach-nhiem-cua-tuoi-tre-4753.html
4. Ngày hội thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn” năm học 2022 - 2023

Sáng ngày 24/3, tại trường THCS Kim Đồng (Núi Thành), Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh Quảng Nam tổ chức Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn” năm học 2022 - 2023.
Ngày hội diễn ra với nhiều nội dung như: diễu hành xếp hình bông hoa Đội; đồng diễn Flashmod với chủ đề “Cùng em làm việc tốt mỗi ngày”. Bên cạnh đó các bạn thiếu nhi còn được tham gia hội trại “Sắc màu quê hương”, các trò chơi nhỏ và trải nghiệm không gian ẩm thực. Tại chương trình, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh đã trao tặng công trình măng non “Không gian đọc sách” cho Trường THCS Kim Đồng; Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện Núi Thành cũng dành tặng 10 suất quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.
Link bài viết: https://tinhdoanqnam.vn/news/Tin-tuc/ngay-hoi-thieu-nhi-vui-khoe-tien-buoc-len-doan-nam-hoc-2022-2023-4757.html
5. Chương trình "Tháng Ba biên giới"
Trong 02 ngày (02 - 03.3), tại xã biên giới Chơ Chun (Huyện Nam Giang), Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức chương trình Tháng Ba biên giới với chủ đề “Biên cương Tổ quốc tôi” với sự tham gia của gần 100 đoàn viên thanh niên.
Tại chương trình, với sự đồng hành của Đoàn Thanh niên Công ty Cổ phần tập đoàn Trường Hải, Đoàn Thanh niên Công ty Cổ phần Prime Đại Lộc và CLB Exciter Đại Lộc, Ban Tổ chức đã trao tặng 10 suất học bổng, 30 suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và 200 suất quà cho người dân tại xã Chơ Chun; trao tặng sinh kế cho 03 hộ thanh niên - người đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế; trao tặng gạch hỗ trợ hoàn thiện nhà ở cho 02 hộ thanh niên trên địa bàn xã; trao tặng các dụng cụ lao động và thể thao cho Đoàn xã Chơ Chun…
Link bài viết: https://tinhdoanqnam.vn/news/3-phong-trao/to-chuc-chuong-trinh-thang-ba-bien-gioi-tai-xa-cho-chun-4717.html
II. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO BÁC
1. Vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ vừa mang tính thường xuyên, vừa mang tính cấp bách, cần quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Trong đó, thanh niên cần là lực lượng xung kích, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cực đoan, thiếu thiện chí.
Những năm gần đây, các hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lực lượng đoàn viên, thanh niên diễn ra rất tích cực, sôi nổi. Tiêu biểu là các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong thanh niên, như: cuộc thi Olympic các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các chương trình cập nhật kiến thức, đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị; các chương trình thông tin, thời sự, các câu lạc bộ lý luận trẻ, trí thức trẻ...
Các phong trào hành động của Đoàn - Đội - Hội, như: “Phong trào tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”; “Phong trào thanh niên tình nguyện”; hoạt động giao lưu truyền thống, gặp gỡ với chứng nhân lịch sử, kể chuyện, đối thoại với thanh niên; “Hành trình đến với các địa chỉ đỏ”; các cuộc thi tìm hiểu sự kiện lịch sử; các chương trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, “Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ” đã tạo sức lan tỏa, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần bồi đắp lòng tự hào dân tộc, thu hút đông đảo người trẻ tham gia.
Trên mặt trận không gian mạng, Đoàn thanh niên các tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị đã thành lập các trang thông tin điện tử, fanpage, nhóm Facebook, Zalo... thường xuyên đăng tải, chia sẻ các văn bản chỉ đạo, định hướng thông tin; các bài viết, những mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt,… Chỉ riêng tại Hà Nội, 100% các cơ sở đoàn trực thuộc Thành đoàn đều đã thành lập và duy trì các fanpage, Facebook để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, với nhiều tuyến tin, bài sắc bén, đấu tranh phản bác kịp thời các tin đồn, luận điệu xuyên tạc...
Theo số liệu thống kê cho thấy ở nước ta, thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi chiếm khoảng 30% dân số. Đây là lực lượng có nhiều tiềm năng về sức khỏe, trí tuệ và khả năng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, thanh niên cũng chính là một trong những trọng điểm tấn công của các thế lực thù địch. Lợi dụng những đặc điểm của tâm lý tuổi trẻ là dễ tiếp cận cái mới, thích tự do, khẳng định mình, nhưng đôi lúc việc nhận thức các vấn đề chính trị-xã hội còn không ít hạn chế, sai lầm.
Do đó các thế lực thù địch sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi hòng lôi kéo, xúi giục người trẻ có các hành vi chống đối, bất hợp tác với chính quyền, tham gia các hoạt động gây rối, làm mất an ninh trật tự. Đã xuất hiện tình trạng có những đoàn viên, thanh niên phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp; chạy theo lối sống thực dụng, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội, sa vào tệ nạn.
Thậm chí một số trí thức trẻ, sinh viên, học sinh bị ảnh hưởng, kích động đã hùa theo, đề cao cái gọi là “tự do ngôn luận”, “xã hội dân sự”, “dân chủ”, “nhân quyền”,… dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Đây là những hiện tượng, biểu hiện tiêu cực không thể chủ quan, coi thường, đòi hỏi phải kịp thời nhận diện đúng đắn để có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu và lên án mạnh mẽ. Bởi nó không chỉ đe dọa trực tiếp đến cuộc sống, tương lai của người trẻ mà còn đe dọa trực tiếp đến tương lai của đất nước.
Tại Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã nêu rõ: cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên internet; biết khai thác, sử dụng internet một cách hiệu quả, thiết thực và lành mạnh.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông; vận dụng tổng hợp các hình thức tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền trên internet, các mạng xã hội và các kênh truyền thông khác, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch...
Từ thực tiễn cho thấy thời gian tới cần tăng cường đẩy mạnh các giải pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên nhiều phương diện.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, về phía cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội cần phải có nhiều hình thức tập hợp thanh niên, tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới với phương châm “nhận thức đúng, thông tin đủ, hành động nhanh, kết nối mạnh, lan tỏa rộng”.
Cần triển khai có hiệu quả các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng phổ biến, tuyên truyền trên internet, mạng xã hội và các kênh truyền thông khác những nội dung liên quan đến an ninh truyền thông, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhận diện kịp thời âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch...
Các hình thức tuyên truyền cần đổi mới, sáng tạo, linh hoạt gắn với đặc điểm thanh niên ở mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi vùng, miền để thu hút sự quan tâm, chú ý đồng thời giúp thanh niên hiểu đúng và ý thức được trách nhiệm của mình.
Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn thanh niên cần phải tích cực phát hiện, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong thanh niên, lan tỏa các thông tin tích cực theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền, đấu tranh trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đến với giới trẻ. Các cơ quan chức năng cần phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý những đối tượng chống đối, cơ hội, bất mãn chính trị đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, kích động trên internet, mạng xã hội.
Về phía các nhà trường, cần tăng cường giáo dục cho thanh niên những kiến thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thanh niên vững tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Cần tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn kỹ năng cho thanh niên về việc nhận diện và đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng bởi đây là môi trường chống phá chính mà các thế lực đang lợi dụng triệt để.
Nhà trường cũng cần phối hợp chặt chẽ với gia đình, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng của thanh niên; từ đó có những biện pháp, cách thức định hướng tư tưởng chính trị; không để các thế lực thù địch, phản động có cơ hội lôi kéo, mua chuộc thanh niên; kịp thời tuyên truyền, giáo dục, uốn nắn những thanh niên có biểu hiện tư tưởng lệch lạc, có xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Để phát huy vai trò của thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần tạo ra một môi trường sống, học tập, làm việc lành mạnh, hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ các luồng thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, mỗi đoàn viên thanh niên cũng phải cần không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, tăng cường khả năng “miễn dịch”, nâng cao “sức đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các đối tượng xấu.
Trên “mặt trận” không gian mạng, mỗi thanh niên phải tận dụng triệt để sức trẻ, khả năng sáng tạo để tạo nên những sản phẩm thông tin về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách đa dạng, mới mẻ, thu hút đông đảo công chúng.
Mỗi tài khoản mạng xã hội của mỗi đoàn viên thanh niên cần phải trở thành một nguồn thông tin tin cậy, lành mạnh, tuyệt đối không chạy theo các trào lưu, xu hướng tiêu cực; kịp thời phát hiện, cảnh báo cho cộng đồng về các trang cung cấp thông tin xấu, độc, giả mạo; phát hiện kịp thời các nguy cơ xâm hại đến nền tảng tư tưởng của Đảng, từ đó phối hợp các cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
      Nguồn: Báo Nhân dân
      Link nội dung: https://nhandan.vn/vai-tro-trach-nhiem-cua-thanh-nien-trong-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-post744418.html

2. Chống tham nhũng là mệnh lệnh sống còn của Đảng
Ngày 01/02/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QÐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Sau 10 năm thực hiện quyết định quan trọng này, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có những bước tiến quan trọng và thu được nhiều kết quả to lớn, góp phần củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Ðảng và chế độ.
Từ những nguy cơ mà tham nhũng có thể đe dọa đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ảnh hưởng đến sự sống còn của Ðảng và chế độ, Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Ngay khi nước nhà mới giành được độc lập, trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” tháng 10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những nguy cơ mà đội ngũ cán bộ, đảng viên của Ðảng mắc phải như: làm việc trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Người đã dự báo và cảnh báo những nguy cơ mà đội ngũ cán bộ, đảng cầm quyền nếu không kiên quyết khắc phục, sửa chữa sẽ dễ dàng mắc phải. Ðồng thời Người cũng nhiều lần đề cập đến việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đó là “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”.
Theo Người, tham ô, lãng phí và quan liêu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và đều có chung một nguồn gốc sinh ra là chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, để phòng, chống có hiệu quả, không chỉ sử dụng pháp luật nghiêm minh mà còn cần phải “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.
Trong nhiều nghị quyết, Ðảng ta đều xác định sự nguy hại của tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đối với tồn vong của chế độ và những cam kết chính trị trước nhân dân. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Ðảng (tháng 1/1994) đã xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa. Ðại hội VIII của Ðảng năm 1996 tiếp tục khẳng định bốn nguy cơ này vẫn còn tồn tại. Ðến Ðại hội IX năm 2001 của Ðảng, ngoài nhấn mạnh nạn tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, kéo dài gây bất bình trong nhân dân và là một nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ, Văn kiện Ðại hội khẳng định: “Nghiêm trị những kẻ tham nhũng, vô trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; người lãnh đạo cơ quan để xảy ra tham nhũng cũng phải bị xử lý về trách nhiệm.
Bảo vệ những người kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; khen thưởng người phát hiện đúng những vụ tham nhũng. Thực hiện các biện pháp ngăn chặn tham nhũng, quan liêu”. Ðại hội X của Ðảng năm 2006 chỉ ra: “Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng”. Ðại hội X nhấn mạnh hơn nữa khi chỉ rõ tham nhũng là nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta nêu quyết tâm chống tham nhũng, lãng phí khi đề cập đến việc xử lý những người tham nhũng không chỉ những người đương chức mà cả người đã nghỉ hưu: “Xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai những người tham nhũng, bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu, tịch thu, sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng…”.
Ðại hội XI, Ðảng đã thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, yếu kém trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, đó là: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội”.
Cũng tại Ðại hội này, Ðảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Từ thực tiễn phong phú của cách mạng, Ðảng đã rút ra những bài học kinh nghiệm lớn, trong đó có nội dung “Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Ðảng”.
Như vậy, với bài học kinh nghiệm rút ra này, Ðảng đã dũng cảm thừa nhận và coi tham nhũng là nguyên nhân gây mất lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng và quản lý của Nhà nước. Từ đó, Ðảng đã đưa ra cam kết chính trị trước Nhân dân về công cuộc phòng, chống tham nhũng: “Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước”.
Việc đưa ra cảnh báo nghiêm khắc về nguy cơ mà tệ tham nhũng gây ra thể hiện bản lĩnh chính trị của Ðảng đó là thẳng thắn nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật để có các biện pháp hữu hiệu phòng, chống hiệu quả. Những quan điểm chỉ đạo của Ðảng được thực tiễn kiểm nghiệm và chứng minh hoàn toàn đúng đắn với các bước đi phù hợp, hiệu quả trong một quyết tâm chính trị cao nhằm tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong Ðảng.
Với quyết tâm cao và hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, ủng hộ trong toàn xã hội và nhân dân nhiều vụ tham nhũng được phát hiện và đem ra xét xử, nhiều cán bộ tha hóa, biến chất, kể cả cán bộ cấp cao đã chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”; đã thu hồi, đề nghị thu hồi tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng cho Nhà nước. Nhiều vụ việc, đại án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được điều tra, khởi tố, truy tố và xử lý công khai đã khẳng định quyết tâm của Ðảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Thực tế cho thấy cùng là cán bộ, cùng được giao quyền lực như nhau nhưng chỉ có những người thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, cộng với sự buông lỏng, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực mới dẫn họ tới con đường tha hóa và tham nhũng. Chính những kẻ đục khoét của công ấy sẽ tìm cách vô hiệu hóa tổ chức Ðảng, cơ quan, đơn vị để dễ bề thao túng nhằm thực hiện mưu đồ tham nhũng làm suy thoái tổ chức Ðảng.
Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng (năm 2021) diễn ra trong bối cảnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thu được những kết quả to lớn. Tuy nhiên ngày càng xuất hiện những thủ đoạn, hành vi tham nhũng tinh vi, nguy hiểm nhằm qua mặt cơ quan chức năng và pháp luật, đòi hỏi nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần phải đẩy mạnh, quyết liệt hơn nữa.
Từ việc xác định tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, Ðại hội đã xác định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…”. Kể từ Ðại hội XIII đến nay, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra quyết liệt, không ngừng nghỉ với tinh thần mà Tổng Bí thư đã khơi dậy: “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
Kết quả thực tế từ quyết tâm đó đã chứng minh công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua được Ðảng ta tiến hành một cách trực tiếp, thường xuyên với sự tham gia, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Ðảng.
Là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, khó khăn, phức tạp; nên được tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, không nóng vội, không chủ quan, với những bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm. Phòng, chống tham nhũng được thực hiện đồng bộ các biện pháp khác, vừa chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra tham nhũng, vừa xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, các hành vi bao che, dung túng tiếp tay cho tham nhũng, bảo đảm không có “vùng cấm” trong chống tham nhũng…
Tuy nhiên, bất chấp thực tế đó, các thế lực chống phá, thù địch vẫn không ngừng xuyên tạc về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Những đối tượng này thường xuyên bịa đặt, lắp ghép các thông tin, sự việc, tung tin sai sự thật để xuyên tạc, cho rằng đó là “đấu đá nội bộ”, “phe phái triệt hạ lẫn nhau”, cho rằng “nguyên nhân của tham nhũng là do chế độ độc đảng”… Tất cả những luận điệu ấy nhằm mục đích phủ nhận, đánh lạc hướng dư luận, gây xói mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay. Cần thấy rằng, tham nhũng là một vấn nạn của xã hội, xuất hiện ở mọi quốc gia, với mọi chế độ chính trị-xã hội. Tại nhiều quốc gia phát triển, chính phủ các nước cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thành lập trung tâm thông tin về tham nhũng và lập quỹ chống tham nhũng…
Kể từ năm 2013 đến nay, công cuộc phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả với những kết quả ấn tượng, không chỉ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong nước và nước ngoài mà còn cả sự quan tâm, đánh giá cao từ nhiều tổ chức quốc gia trên thế giới.
Ngài Kamal Malhotra, đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam đánh giá: “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam là một điểm sáng đáng chú ý”.
Tổ chức minh bạch quốc tế trong “Báo cáo Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2019” đã đánh giá: “Bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ (Việt Nam) đã và đang thực hiện nhiều biện pháp, hành động phòng, chống tham nhũng, đưa ra ánh sáng nhiều vụ án tham nhũng quy mô lớn chưa từng có”.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đánh giá cao công cuộc lãnh đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Ðảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu: “Tôi hoan nghênh nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy quản trị tốt của ngài trên cương vị Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam. Giải quyết nạn tham nhũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực Ðông Nam Á và trên thế giới”.
Ðể giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền, để nâng cao uy tín trước Nhân dân, để thật sự xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, chống tham nhũng là mệnh lệnh sống còn của Ðảng. Nhiệm vụ này dù khó khăn, nhiều thử thách, nhưng với quyết tâm cao, sự đồng lòng nhất trí của toàn Ðảng, toàn dân, chắc chắc sẽ thành công.
      Nguồn: Báo Nhân dân
      Link nội dung: https://nhandan.vn/chong-tham-nhung-la-menh-lenh-song-con-cua-dang-post741792.html

3. "Dân vận khéo" của thanh niên miền núi Quảng Nam
Những phần việc ý nghĩa và thiết thực được lồng ghép triển khai ở miền núi thời gian qua, đã giúp nhiều thanh niên có mô hình sinh kế mới và tạo nền tảng hỗ trợ phát triển cộng đồng, góp sức cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Trao sinh kế cho thanh niên
Sau thời gian thả nuôi với chuồng trại kiên cố, vợ chồng Arất Tơn (tổ Za Ra, thôn Ga Lêê, xã Tà Bhing, Nam Giang) đã xuất chuồng lứa heo đen đầu tiên ra thị trường. Số tiền bán được, vợ chồng anh quay vòng mua thêm giống heo mới, tiếp tục mở rộng mô hình heo đen địa phương.
Arất Tơn nói, mô hình sinh kế này do Huyện đoàn Nam Giang hỗ trợ, giúp vợ chồng anh có thêm cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
“Trước đây, vợ chồng tôi được Huyện đoàn nhận đỡ đầu, hỗ trợ 4 con heo đen, cùng nguyên vật liệu xây dựng chuồng trại để làm ăn. Sau thời gian nuôi, heo được tái đàn nên xuất chuồng để mở rộng mô hình trong thời gian tới” - Tơn chia sẻ.
Để tập trung hỗ trợ thanh niên khó khăn vươn lên trong cuộc sống, bên cạnh nhận đỡ đầu và trao mô hình sinh kế, mới đây, từ nguồn kinh phí trao tặng của chính quyền và nhân dân huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) - địa phương kết nghĩa với Nam Giang, hộ Arất Tơn được Huyện đoàn và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chọn xây dựng nhà tình nghĩa, tạo điều kiện ổn định cuộc sống.
Đây được xem là mục tiêu “kép” nhằm hỗ trợ thanh niên khó khăn vươn lên thoát nghèo, hưởng ứng mô hình “Dân vận khéo” trong đoàn viên thanh niên được triển khai từ nhiều năm qua.
Hướng về cộng đồng
Đồng chí Cơlâu Hoài - Bí thư Huyện đoàn Tây Giang cho hay, nhiều hoạt động giúp dân được triển khai thời gian qua, cho thấy sự hưởng ứng rất tích cực từ các cấp đoàn cơ sở với cuộc sống cộng đồng. Các hoạt động này được lồng ghép triển khai có hiệu quả, không chỉ tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong đoàn viên thanh niên, mà còn khuyến khích sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện.
Mới đây, sau đợt ra quân Tháng thanh niên 2023, hàng trăm bạn trẻ Tây Giang đã cùng nhau mở đường vào khu sản xuất Đông Văn (thôn Pơr’ning, xã Lăng) với chiều dài hơn 5km, giúp người dân thuận lợi trong việc đi lại, lao động sản xuất. Hành trình mở đường khó khăn này có sự góp sức của cộng đồng dân cư địa phương.
Tại Đông Giang, các mô hình hướng về cộng đồng được triển khai rộng khắp ở các cơ sở đoàn, từ nồi cháo chiến sĩ, bữa cơm nghĩa tình cho đến hoạt động giúp dân di dời nhà cửa, khắc phục hậu quả thiên tai…
            Tất cả là những hành động đẹp góp vào câu chuyện làm “Dân vận khéo” ở vùng cao thêm sinh động và ý nghĩa
            Link nội dung: https://tinhdoanqnam.vn/news/hinh-mau-thanh-nien-quang-nam/dan-van-kheo-cua-thanh-nien-mien-nui-4775.html
III. THEO DÒNG LỊCH SỬ

IV. VĂN BẢN, CHÍNH SÁCH MỚI
1. Thi tuyển công chức, đã đạt kiểm định đầu vào thì không phải thi vòng 1 
Nghị định số 06/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức có hiệu lực từ 10/4/2023.
Theo Nghị định trên, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển.
Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền.
Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ 02 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm.
Hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Nội dung kiểm định gồm: hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, quản lý hành chính Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ… và đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.
Người dự tuyển trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào. Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ.
Việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP đến hết ngày 31/7/2024. Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định tại Nghị định này khi tham gia thi tuyển công chức không phải thực hiện thi vòng 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.
Kể từ ngày 1/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.

2. Xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa

Thông tư 02/2023/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa có hiệu lực từ ngày 10/4/2023.
Các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng 3 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP), cụ thể như sau:
a) Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa chính được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;
b) Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
c) Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa trung cấp được áp dụng ngạch lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
Sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được cấp có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức tuyên truyền viên văn hóa thì thực hiện xếp bậc lương theo chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm như sau:
a) Trường hợp bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa trung cấp:
Viên chức có trình độ đào tạo trung cấp khi tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng được xếp bậc 1, hệ số lương 1,86, ngạch viên chức loại B;
Viên chức có trình độ đào tạo cao đẳng trở lên khi tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng được xếp bậc 2, hệ số lương 2,06, ngạch viên chức loại B.
b) Trường hợp bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa:
Viên chức có trình độ đào tạo đại học khi tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng được xếp bậc 1, hệ số lương 2,34, ngạch viên chức loại A1;
Viên chức có trình độ đào tạo thạc sỹ khi tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng được xếp bậc 2, hệ số lương 2,67, ngạch viên chức loại A1;
Viên chức có trình độ đào tạo tiến sỹ khi tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng được xếp bậc 3, hệ số lương 3,00, ngạch viên chức loại A1.
Việc chuyển xếp lương đối với viên chức từ chức danh nghề nghiệp hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa quy định tại Thông tư này thực hiện theo hướng dẫn tại Mục II Thông tư số 02/2007/TTBNV ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức (sau đây viết tắt là Thông tư số 02/2007/TT-BNV). 

3. Quy định mới về điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng

Thông tư 02/2023/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng xây dựng có hiệu lực từ ngày 20/4/2023. 
Trong đó, Thông tư quy định việc điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng. Theo đó, việc điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 50/2021/NĐ-CP.
Khi điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung hợp đồng thì phải ký kết phụ lục hợp đồng làm cơ sở điều chỉnh giá hợp đồng. Chủ đầu tư có trách nhiệm phê duyệt hoặc trình phê duyệt dự toán điều chỉnh, phát sinh theo đúng các quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và hợp đồng xây dựng làm cơ sở ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng.
Phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này. Việc áp dụng các phương pháp điều chỉnh giá phải phù hợp với tính chất công việc, loại giá hợp đồng, đồng tiền thanh toán và phải được thỏa thuận trong hợp đồng.
Đối với hợp đồng tư vấn xây dựng thực hiện thanh toán theo thời gian (theo tháng, tuần, ngày, giờ) thì việc điều chỉnh mức tiền lương cho chuyên gia thực hiện theo công thức điều chỉnh cho một yếu tố chi phí nhân công tại mục I Phụ lục I kèm theo Thông tư này.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định việc điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.
Khi điều chỉnh tiến độ hợp đồng xây dựng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 39 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, Bên giao thầu và Bên nhận thầu có trách nhiệm đánh giá tác động của các sự kiện bất khả kháng đến tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng để xác định, quyết định điều chỉnh cho phù hợp.
Trường hợp tạm dừng thực hiện công việc theo yêu cầu của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 39 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP cần thực hiện các công việc sau:
a) Bên giao thầu, Bên nhận thầu căn cứ yêu cầu tạm dừng của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đánh giá tác động đến tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng làm cơ sở xác định, thỏa thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng.
b) Trường hợp phát sinh chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng thì Bên giao thầu, Bên nhận thầu căn cứ nội dung hợp đồng, hướng dẫn của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sự kiện dẫn đến tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng làm cơ sở xác định, thỏa thuận về các khoản mục chi phí phát sinh hợp lý.

4. Quy định mới về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập 

Thông tư 06/2023/TT-BYT của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập có hiệu lực từ ngày 27/4/2023.
Thông tư 06/2023/TT-BYT sửa đổi khoản 2 Điều 8 về gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị. Theo đó, gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị có thể có một hoặc nhiều thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị với thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu, mỗi thuốc là một phần của gói thầu. Các thuốc tại gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị đáp ứng đồng thời 02 tiêu chí sau:
a) Thuộc danh mục thuốc biệt dược gốc, thuốc tương đương điều trị với thuốc biệt dược gốc và sinh phẩm tham chiếu do Bộ Y tế công bố, trừ thuốc biệt dược gốc thuộc Danh mục thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và đã được công bố kết quả đàm phán giá.
b) Được sản xuất toàn bộ tại các nước thuộc danh sách SRA hoặc EMA; hoặc được sản xuất một, một số công đoạn tại Việt Nam và các công đoạn còn lại được sản xuất tại các nước thuộc danh sách SRA hoặc EMA; hoặc được sản xuất toàn bộ công đoạn tại Việt Nam; hoặc được cơ quan quản lý dược các nước thuộc danh sách SRA hoặc EMA cấp phép lưu hành.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng sửa đổi điểm c khoản 4 Điều 14 về nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Cụ thể, khi lập kế hoạch chọn nhà thầu, đơn vị tham khảo một trong các thông tin tài liệu sau đây để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền:
- Giá thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền trúng thầu theo nhóm tiêu chí kỹ thuật của các cơ sở y tế hoặc trúng thầu tập trung cấp địa phương trong vòng 12 tháng trước hoặc trúng thầu tập trung cấp Quốc gia, đàm phán giá còn hiệu lực của thỏa thuận khung được công bố trên trang Thông tin điện tử của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền).
Trường hợp chưa được công bố trên trang Thông tin điện tử của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) thì căn cứ quyết định trúng thầu hoặc thông báo trúng thầu hoặc thông tin công khai theo quy định tại khoản 6 Điều 20 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (sau đây gọi tắt là Nghị định số 63/2014/NĐ-CP).
- Báo giá hoặc hóa đơn bán hàng, cụ thể như sau:
+ Đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, vaccine, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền: tham khảo 03 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trường hợp thuốc không đủ 03 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau, Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào ít nhất 01 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của nhà cung cấp tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giải trình, chịu trách nhiệm về giá kế hoạch đề xuất và bảo đảm không vượt giá bán buôn kê khai, kê khai lại còn hiệu lực của thuốc đã tham khảo;
+ Đối với dược liệu và vị thuốc cổ truyền: tham khảo 03 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trường hợp dược liệu và vị thuốc cổ truyền không đủ 03 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau, Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào ít nhất 01 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của nhà cung cấp tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giải trình và chịu trách nhiệm về giá kế hoạch đề xuất là phù hợp với giá dược liệu, vị thuốc cổ truyền trên thị trường tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
BIÊN TẬP BAN TỔ CHỨC - KIỂM TRA TỈNH ĐOÀN

Nguồn tin: Huyện đoàn- Hội LHTN Việt Nam huyện Nông Sơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây